Phóng viên: Xin bà cho biết mục tiêu chung của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và mục tiêu của dự án 4?
Bà Hoàng Thị Hải: Ngày 18/1/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 90 phê duyệt Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, mục tiêu chung của chương trình là thực hiện giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các huyện nghèo, thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.
Dự án 4 có 3 tiểu dự án gồm: Tiểu dự án 1 về phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; Tiểu dự án 2 về hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Tiểu dự án 3 về hỗ trợ việc làm bền vững. Trong đó, mục tiêu chung đối với Dự án 4 là tập trung phát triển giáo dục nghề nghiệp cả về quy mô và chất lượng đào tạo, hỗ trợ đào tạo nghề cho người nghèo, người dân sinh sống trên địa bàn tỉnh có huyện nghèo, gắn kết chặt chẽ giáo dục nghề nghiệp với tạo việc làm, sinh kế bền vững, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; hỗ trợ để người dân có việc làm bền vững.
Phóng viên: Quá trình triển khai 3 tiểu dự án trong dự án 4 và tiến độ thực hiện tính đến thời điểm hiện nay như thế nào thưa bà?
Bà Hoàng Thị Hải: Tổng kinh phí phân bổ cho Sở LĐTB&XH để thực hiện 3 tiểu dự án gần 30 tỷ đồng, trong đó: Tiểu dự án 1 về phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững năm 2024 là trên 17 tỷ đồng, trong đó, ngân sách trung ương cấp trên 16,5 tỷ đồng, ngân sách địa phương đối ứng khoảng 500 triệu đồng. Với nguồn kinh phí được giao, sở đã xây dựng kế hoạch, dự toán các nội dung dự án thuộc CTMTQG giảm nghèo bền vững, ký kết hợp đồng trách nhiệm với Trung tâm Dịch vụ việc làm thực hiện tư vấn, tuyên truyền định hướng nghề nghiệp và giới thiệu việc làm cho thanh niên, học sinh, sinh viên; thực hiện tuyên truyền nâng cao chất lượng đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Đối với nguồn kinh phí giao cho các huyện, thành phố hiện nay có 3 huyện không triển khai mở các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn được do số đối tượng còn rất ít hoặc trùng đối tượng với chương trình MTQG khác đã đề xuất điều chỉnh giảm để chuyển ngân sách điều hoà vốn. Các huyện còn lại đã giao cho trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên dự kiến thực hiện 31 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đến nay đã mở được 10 lớp tại các huyện: Bắc Sơn, Bình Gia và Văn Lãng.
Tiểu dự án 2 về hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, sở đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện chương trình đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và thực hiện nhiệm vụ trọng tâm năm 2024, trong đó xác định đẩy mạnh thực hiện chính sách hỗ trợ cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại 2 huyện nghèo. Phấn đấu hết năm hoàn thành kinh phí được giao (khoảng 1,7 tỷ với khoảng 120 lao động được hỗ trợ).
Tiểu dự án 3 về hỗ trợ việc làm bền vững được phân bổ trên 17,6 tỷ đồng từ hai nguồn vốn gồm: vốn đầu tư phát triển trên 7 tỷ đồng và vốn sự nghiệp trên 6,6 tỷ đồng. Từ 2 nguồn vốn này, sở đã xây dựng và thực hiện dự án đầu tư trang thiết bị công nghệ thông tin để hiện đại hoá hệ thống thông tin thị trường lao động, hình thành sàn giao dịch việc làm trực tuyến và xây dựng các cơ sở dữ liệu được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1835 ngày 10/11/2023, với tổng mức đầu tư trên 11,6 tỷ đồng. Ngày 30/11/2023, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 1989 phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, đến nay, sở đã hoàn thành gói thầu số 3 về mua sắm, lắp đặt thiết bị; hiện đang thực hiện gói thầu số 7; kiểm thử độc lập đối với gói thầu số 4 về xây dựng phần mềm nội bộ, cơ sở dữ liệu, khối lượng ước đạt 90% so với tổng mức đầu tư được duyệt. Uớc giải ngân đến thời điểm này là trên 7 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch vốn giao, luỹ kế giải ngân đến hết năm 2024 là trên 11,6 tỷ đồng, đạt 100% tổng mức đầu tư được duyệt.
Thực hiện Kế hoạch số 67 ngày 16/3/2023 của UBND tỉnh về thu thập, cập nhật, điều chỉnh, tổng hợp thông tin về người lao động trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 – 2025, sở đã ban hành Kế hoạch số 103 ngày 30/5/2024 về thực hiện thu thập, cập nhật, điều chỉnh, tổng hợp thông tin về người lao động trên địa bàn tỉnh năm 2024; ước thực hiện năm 2024 đạt 100% kế hoạch vốn giao.
Trung tâm Dịch vụ việc làm (đơn vị trực thuộc sở) đã tổ chức các phiên giao dịch việc làm theo cụm xã, ngày hội việc làm, với nội dung tập trung tư vấn về việc làm, học nghề, pháp luật lao động; tư vấn cho người lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; thu thập, phân tích dự báo thông tin thị trường lao động trong và ngoài nước; phát sổ tay nghiệp vụ về việc làm, thị trường lao động trong và ngoài nước cho các tổ chức đoàn thể và người lao động; tuyên truyền chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật.
Phóng viên: Xin bà cho biết những khó khăn trong thực hiện Dự án 4 và giải pháp để thực hiện hiệu quả trong thời gian tới?
Bà Hoàng Thị Hải: Trong quá trình triển khai, thực hiện một số nội dung của chương trình MTQG giảm nghèo bền vững có một số khó khăn vướng mắc. Cụ thể như đối với phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững có sự trùng lặp nội dung và đối tượng triển khai thực hiện tại các tiểu dự án và nội dung thành phần thuộc 3 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025.
Một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp không được hỗ trợ đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước, khả năng đầu tư của ngành chủ quản hạn chế nên cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo còn thiếu và lạc hậu, chưa đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo nghề.
Công tác tuyển sinh đào tạo cho lao động nông thôn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là việc thực hiện tuyển sinh và đào tạo các nghề phi nông nghiệp; một số lao động có tâm lý ngại học, sau khi tốt nghiệp THCS, THPT đã xin vào vừa học vừa làm ngay tại doanh nghiệp nên cơ sở giáo dục nghề nghiệp không tuyển đủ chỉ tiêu. Còn một bộ phận giáo viên chậm đổi mới phương pháp giảng dạy, năng lực hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ của công tác giảng dạy trong thời kỳ đổi mới.
Các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên chỉ có từ 1 đến 2 giáo viên cơ hữu, nguồn giáo viên thỉnh giảng khan hiếm nên thiếu giáo viên để giảng dạy các lớp đào tạo nghề cho lao động. Một số lĩnh vực, ngành nghề đào tạo ngắn hạn cho lao động nông thôn chất lượng chưa cao như: nghề trồng trọt, chăn nuôi thú y, sửa chữa máy nông nghiệp.
Về hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ không cung cấp đầy đủ biên lai, phiếu thu về học nghề, học ngoại ngữ, khám sức khỏe... do đó vẫn còn một số đối tượng được thụ hưởng chính sách nhưng không được thụ hưởng, một số người lao động đã xuất cảnh đi làm việc mới ủy quyền cho gia đình làm thủ tục đề nghị hỗ trợ nên thiếu các giấy tờ có liên quan (giấy ủy quyền, thông tin về tài khoản nhận tiền,..).
Về tạo việc làm bền vững đã được triển bộ đồng bộ trên địa bàn song do đặc thù của tỉnh chưa phát triển mạnh về khu công nghiệp, các doanh nghiệp, cơ sở sử dụng ít lao động nên khả năng thu hút việc làm tại địa phương còn ít chưa đáp ứng nhu cầu lao động của người lao động, số người lao động đăng ký tìm việc, được giới thiệu việc làm với số lượng ít; cầu lao động chưa phong phú, hoạt động kết nối việc làm chưa đạt được theo yêu cầu.
Việc triển khai hoạt động thu thập, cập nhật, điều chỉnh thông tin về người lao động đã được các cấp, ngành quan tâm phối hợp thực hiện, triển khai theo kế hoạch. Tuy nhiên do số đối tượng thu thập thông tin lớn, thông tin thu thập nhiều, chi tiết nên mất nhiều thời gian, gặp nhiều khó khăn do không tiếp nhận được thông tin từ người lao động.
Để khắc phục những hạn chế, khó khăn trên, thời gian tới, sở tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở, người lao động về vị trí, vai trò của công tác giáo dục nghề nghiệp đối với quá trình giải quyết việc làm, từng bước nâng cao nhận thức của người lao động về giáo dục nghề nghiệp.
Cùng đó, phối hợp với chính quyền các cấp quyết tâm, quyết liệt trong thực hiện chương trình, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng; triển khai thực hiện các chính sách, chương trình, dự án đảm bảo đúng phạm vi, địa bàn, định mức, đối tượng thụ hưởng Chương trình
Đồng thời triển khai công tác điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động; xây dựng kế hoạch giáo dục nghề nghiệp gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp; nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục nghề nghiệp theo 3 cấp trình độ (cao đẳng, trung cấp và sơ cấp); tập trung đào tạo cho lao động nông thôn để chuyển dịch cơ cấu lao động, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Cùng với đó, tăng cường truyền thông, quản lý hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, giới thiệu các đơn vị uy tín, có năng lực về địa bàn tuyển dụng và hỗ trợ người lao động các hồ sơ, thủ tục đảm bảo điều kiện hỗ trợ cho người lao động; đổi mới phương thức tổ chức phiên giao dịch việc làm nhằm nâng cao hiệu quả kết nối cung – cầu lao động của Trung tâm Dịch vụ việc làm.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn bà!