Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững, thời gian qua, huyện Hàm Thuận Bắc luôn quan tâm, dành nguồn lực đào tạo nghề cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Qua đó, mở hướng sản xuất mới, tạo cơ hội để người nghèo vươn lên, ổn định cuộc sống.
Thực hiện Tiểu dự án 1 về phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững của Dự án 4 trong Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, UBND huyện Hàm Thuận Bắc đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho các đối tượng theo quy định. Trong đó địa phương đặc biệt chú trọng đến công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân, các doanh nghiệp và cả hệ thống chính trị nắm bắt, cùng phối hợp thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về chính sách giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững. Song song, hướng dẫn khảo sát nhu cầu học nghề của lao động nông thôn và xem xét theo đúng đối tượng đăng ký theo học.
Trên cơ sở đó, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phối hợp cùng Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện tiến hành mở lớp. Từ năm 2022 đến nay, huyện đã mở được 10 lớp dạy nghề về trồng rau an toàn, chăn nuôi, dinh dưỡng và kỹ thuật nấu ăn, với 119 học viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo tham gia, tổng kinh phí trên 406 triệu đồng.
Học viên tham dự là lao động nông thôn, độ tuổi và trình độ khác nhau nên trong quá trình giảng dạy, giáo viên tập trung hướng dẫn thực hành; linh hoạt khai thác thêm kiến thức thiết thực trên các tài liệu khác để học viên tiếp thu nhanh, hiệu quả nhất. Đặc biệt các lớp được mở trực tiếp tại xã dựa trên nhu cầu thực tế, nên tạo điều kiện cho người dân đi lại, phù hợp về nội dung và thời gian đào tạo.
Ông Thông Minh Hoàng – Phó Chủ tịch UBND xã Hàm Phú cho biết: Thông qua các lớp học nghề đã giúp lao động nông thôn từng bước nâng cao trình độ, tạo điều kiện tốt để tiếp cận với định hướng phát triển kinh tế của địa phương, của huyện, làm chuyển dịch cơ cấu lao động dần theo hướng tích cực.
Cụ thể, trong số 29 đối tượng trên địa bàn xã được học nghề dinh dưỡng và kỹ thuật nấu ăn từ chương trình giảm nghèo bền vững và nông thôn mới trong năm 2024, thì 50% người học đã tìm được việc làm. Nhờ có chứng chỉ học nghề theo đúng yêu cầu nên các chị được hợp đồng làm việc thời vụ với các cơ sở dịch vụ nấu ăn trên địa bàn xã. Có thể kể ra như chị Phạm Thị Gái, chị Lương Thị An Na, trước đây chỉ nội trợ trong gia đình, chăm sóc con, nhưng giờ được tham gia trong ngành dịch vụ ẩm thực phục vụ tại các đám tiệc, hàng tháng có thêm nguồn thu đáng kể.
Tiếp tục quan tâm, triển khai hiệu quả
Việc đào tạo nghề chính là cơ sở để từng bước thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn trong thực hiện Tiểu dự án 1 về phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững của Dự án 4 trong thời gian qua. Đó là công tác đào tạo nghề hiện nay rất khó tuyển, nhất là đối tượng hộ nghèo, cận nghèo phần lớn đã được hỗ trợ học nghề lần 1, do đó nguồn tuyển sinh hạn hẹp dần. Một số nữa chưa thật sự tích cực trong việc tham gia học nghề do độ tuổi đã cao, hạn chế về nhận thức. Thêm nữa, Trung tâm dạy nghề chưa thể triển khai đào tạo cho doanh nghiệp do đơn giá dịch vụ nghề may công nghiệp, trình độ dưới 3 tháng chưa được ban hành…
Trong năm 2023, huyện Hàm Thuận Bắc có 2.313 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 4,44% so với tổng số hộ toàn huyện. Để hoàn thành các mục tiêu đề ra trong tiến trình giảm nghèo bền vững đến năm 2025 theo kế hoạch, huyện Hàm Thuận Bắc sẽ tiếp tục chủ động đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn tuyển sinh dạy nghề bằng nhiều hình thức để tiếp cận, cung cấp đầy đủ thông tin đến mọi đối tượng người học. Cùng với đó, tăng cường tuyển sinh, tổ chức đào tạo các chương trình phù hợp với nhu cầu đào tạo của người lao động. Tăng cường phối hợp tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động đến các xã và kết nối cung - cầu lao động, nhằm gắn kết chặt chẽ giáo dục nghề nghiệp với tạo việc làm, sinh kế bền vững, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống…