Dự thảo Luật Việc làm lần này phân định rõ 2 nhóm đối tượng được hưởng mức lãi suất thấp hơn khi có nhu cầu vay vốn đi làm việc ở nước ngoài
Trong những năm gần đây, xuất khẩu lao động đã trở thành một trong những giải pháp quan trọng giúp giải quyết việc làm, cải thiện thu nhập và nâng cao chất lượng sống cho người dân, đặc biệt là nhóm lao động nghèo và yếu thế. Các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức... không chỉ mang lại thu nhập ổn định mà còn góp phần giảm nghèo bền vững, đồng thời nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho Việt Nam.
Trước khi xuất cảnh, người lao động được trang bị kỹ năng nghề và ngoại ngữ thông qua các chương trình đào tạo, giúp họ ngày càng có năng lực cạnh tranh cao hơn. Nhiều người sau khi hoàn thành hợp đồng lao động trở về nước đã tích lũy được tay nghề, kinh nghiệm làm việc quốc tế và dễ dàng tái hòa nhập thị trường lao động trong nước.
Người lao động được đào tạo bài bản trước khi xuất cảnh làm việc ở nước ngoài
Tuy nhiên, chi phí xuất cảnh vẫn là rào cản lớn đối với người lao động có thu nhập thấp. Dù nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài rất cao, nhưng các chi phí ban đầu như đào tạo nghề, học ngoại ngữ, khám sức khỏe, làm hộ chiếu, visa, mua vé máy bay… thường vượt quá khả năng tài chính của nhiều gia đình. Không ít người đành từ bỏ cơ hội thay đổi cuộc đời, dù đã đáp ứng đầy đủ điều kiện về sức khỏe và trình độ.
Nhằm tháo gỡ nút thắt này, dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đã đề xuất mở rộng chính sách tín dụng đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Thay vì chỉ giới hạn trong 5 nhóm đối tượng như quy định hiện hành.
Cụ thể, các đối tượng được ưu tiên vay vốn bao gồm: người dân tộc thiểu số; người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo hoặc có mức sống trung bình; thân nhân người có công với cách mạng; người sống tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng bãi ngang, ven biển, hải đảo; người có đất bị thu hồi; thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, công an, thanh niên tình nguyện, trí thức trẻ đã kết thúc chương trình tại khu kinh tế - quốc phòng.
Người lao động tham gia kỳ thi tiếng Hàn để đủ điều kiện sang Hàn Quốc làm việc
Đáng chú ý, khoản 2 điều 10 của dự thảo quy định 2 nhóm đối tượng được vay vốn với lãi suất ưu đãi thấp hơn gồm: người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo và người dân tộc Kinh thuộc hộ nghèo đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Đây là những nhóm có điều kiện sống khó khăn và cơ hội tiếp cận đào tạo hạn chế, vì vậy chính sách tín dụng ưu đãi là giải pháp thiết thực giúp họ tiếp cận cơ hội việc làm, đồng thời góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Một điểm mới đáng chú ý trong dự thảo là trao quyền chủ động nhiều hơn cho chính quyền địa phương. Cụ thể, khoản 4 điều 10 quy định rằng, đối với nguồn vốn vay từ ngân sách địa phương ủy thác, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có thể quyết định mở rộng danh sách đối tượng được vay vốn ưu đãi, căn cứ vào điều kiện thực tế tại địa phương.
Nguồn: dantri.com.vn