Với chương trình Trao đổi tài năng đổi mới sáng tạo Việt Nam - Singapore, sắp tới, quá trình làm thủ tục đưa lao động Việt sang Singapore được kỳ vọng sẽ được rút ngắn từ 8 tuần xuống 3 tuần.
Ông Vincent Yu, Trợ lý Vụ trưởng cấp cao, Vụ Đông Nam Á và Thái Bình Dương, Bộ Công thương Singapore, khẳng định nội dung này tại Diễn đàn Trao đổi tài năng đổi mới sáng tạo Việt Nam - Singapore (ITX), do Bộ Nội vụ phối hợp với Bộ Tài chính tổ chức, ngày 18/6.
Nhân tài Việt làm việc ở nước ngoài không còn là "chảy máu chất xám"
Chương trình trao đổi tài năng đổi mới sáng tạo Việt Nam - Singapore được ký kết ngày 28/8/2023 giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư (nay là Bộ Tài chính), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (nay là Bộ Nội vụ) của Việt Nam và Bộ Công Thương Singapore.
Chương trình nhằm tạo điều kiện cho lao động trẻ hai nước làm việc ngắn hạn (tối đa 2 năm) tại các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo. Ứng viên Việt Nam dưới 30 tuổi và ứng viên Singapore dưới 35 tuổi, tốt nghiệp cử nhân, thạc sĩ hoặc tiến sĩ từ các trường đại học trong danh sách được công nhận, sẽ đủ điều kiện tham gia.
Cơ hội việc làm trải rộng trên 15 lĩnh vực như khoa học dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, an ninh mạng, công nghệ bán dẫn, công nghệ y tế, thiết kế hệ thống, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo...
Tại Việt Nam, ứng viên phải tốt nghiệp từ 5 đại học lớn gồm Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TPHCM, Đại học Đà Nẵng và Đại học Duy Tân. Phía Singapore bao gồm các cơ sở như Đại học Quốc gia Singapore, Đại học Công nghệ Nanyang, Đại học Quản lý Singapore...
Ngoài ra, ứng viên từ hơn 100 đại học danh tiếng toàn cầu như Harvard, Oxford, MIT, Seoul National University, Tokyo Institute of Technology cũng đủ điều kiện tham gia.
Phát biểu tại Diễn đàn, bà Kim Ngọc Thanh Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), Bộ Tài chính, cho biết chương trình ITX được xây dựng với mục đích hỗ trợ các chuyên gia trẻ người Singapore và Việt Nam tìm kiếm cơ hội làm việc trong các lĩnh vực liên quan đến đổi mới sáng tạo, như AI, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo…
Bà Kim Ngọc Thanh Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), Bộ Tài chính (Ảnh: Sơn Nguyễn).
Bên cạnh đó, chương trình còn hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng khả năng tiếp cận nguồn nhân tài trẻ trong các vị trí liên quan đến đổi mới sáng tạo và tạo điều kiện cho các nhân viên tiềm năng cao được cử đi công tác ở nước ngoài.
"Đây không phải là chương trình kết nối việc làm. Cá nhân sẽ phải tự đảm bảo cơ hội việc làm và đáp ứng đủ điều kiện của bên phía tuyển dụng. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu, Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore có thể giúp quảng bá hồ sơ cá nhân và thông tin tuyển dụng để tạo điều kiện thuận lợi cho người sử dụng lao động và sinh viên tốt nghiệp", bà Thanh Nga lưu ý.
Trong năm đầu thí điểm, chương trình dự kiến triển khai cho 300 lao động từ Việt Nam đi Singapore; những năm tiếp theo sẽ mở rộng quy mô lên khoảng 1.000 lao động mỗi năm, theo hình thức hai chiều giữa Việt Nam và Singapore.
Chủ trì diễn đàn, Tiến sĩ Hà Thị Minh Đức, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nội vụ, cho biết chương trình là cơ hội để người lao động Việt Nam được tham gia vào môi trường việc làm tiên tiến, giúp cho người trẻ có nhiều trải nghiệm để học tập, trưởng thành về mặt chuyên môn.
"Trước đây, chúng ta thường lo ngại việc đưa lao động tài năng ra nước ngoài là tình trạng chảy máu chất xám. Nhưng tôi có góc nhìn khác. Nhiều người sau khi học tập và làm việc ở nước ngoài đã mang kiến thức, kinh nghiệm trở về đóng góp cho Việt Nam. Không ít người trong số họ đã khởi nghiệp, tạo việc làm cho người khác", bà Đức nói.
TS Hà Thị Minh Đức cho rằng đưa lao động chất lượng cao ra nước ngoài làm việc không phải là "chảy máu chất xám". (Ảnh: Sơn Nguyễn).
Cơ hội để "đi một ngày đàng, học một sàng khôn"
Trình bày về kế hoạch sắp tới bên phía Singapore trong thời gian tới để thực hiện chương trình, ông Vincent Yu, Trợ lý Vụ trưởng cấp cao, Vụ Đông Nam Á và Thái Bình Dương, Bộ Công thương Singapore cho biết đây là chương trình đầu tiên hai quốc gia hợp tác về trao đổi tài năng sáng tạo, có sự phối hợp giữa Chính phủ của cả hai quốc gia.
"Khi đến Việt Nam lần đầu vào năm 2020, tôi có nghe Việt Nam có câu thành ngữ rất hay là "đi một ngày đàng, học một sàng khôn". Tôi nghĩ việc hai nước trao đổi người lao động lẫn nhau sẽ rất đúng với tinh thần này. Khi đi làm việc ở một đất nước khác, với sự tiếp xúc với một nền văn hóa khác, họ sẽ có thêm nhiều kiến thức chuyên môn và trải nghiệm sống. Tôi nghĩ đây là thứ mà mỗi người trẻ đều cần", ông Vincent khẳng định.
Ông Vincent Yu, Trợ lý Vụ trưởng cấp cao, Vụ Đông Nam Á và Thái Bình Dương, Bộ Công thương Singapore (Ảnh: Sơn Nguyễn).
Theo ông Vincent, để thực hiện mục tiêu này, doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn trong việc tiếp cận với nhân tài, còn người lao động sẽ có những rào cản nhất định trong việc tiếp cận với thị trường lao động nước ngoài. Tuy nhiên, với chương trình có sự phối hợp chặt chẽ với cả hai chính phủ, ông tin tưởng sắp tới, những rào cản sẽ được hạn chế tối đa.
"Chúng tôi đang nỗ lực rút ngắn thời gian xử lý, với kỳ vọng giảm từ 8 tuần xuống còn 3 tuần, tính từ lúc nộp hồ sơ đến khi người lao động Việt Nam có thể sang Singapore", ông nói.
Ông cho biết đã có nhiều doanh nghiệp Singapore thể hiện sự quan tâm, mong muốn thuê nguồn nhân lực chất lượng cao từ Việt Nam.
"Công việc của ứng viên chỉ là đăng ký tham gia, và đáp ứng các yêu cầu của bên phía tuyển dụng", ông nhấn mạnh.
Đề xuất hướng phát triển của chương trình, TS Trương Công Tuấn, Giám đốc Trung tâm Sáng tạo Khởi nghiệp Sinh viên, Đại học Bách khoa Hà Nội, mong muốn có thêm sự tiếp cận sâu rộng hơn với sinh viên các trường đại học.
"Sinh viên rất mong muốn có các hội chợ việc làm, các chương trình thực tập sinh cho sinh viên các ngành nghề mà doanh nghiệp đang có nhu cầu. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng mong muốn có các hướng dẫn cụ thể hơn để các trường nắm bắt, giúp sinh viên trau dồi và đáp ứng tốt hơn các yêu cầu từ phía nhà tuyển dụng", ông Tuấn đề xuất.
Nguồn: nld.com.vn