Từ ngày 11 - 22/3/2013, Trung tâm Lao động ngoài nước phối hợp với Cơ quan Phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc (HRD) sẽ tổ chức kỳ thi tiếng Hàn trên máy tính (CBT) dành cho lao động về nước đúng hạn để trở lại Hàn Quốc làm việc. Đây là lần thi thứ 6, được tổ chức tại 3 điểm Hà Nội, Nghệ An và Thành phố Hồ Chí Minh, với số lượng người lao động đông nhất từ trước đến nay (với 949 người) và khác những lần thi trước, đề kiểm tra năng lực tiếng Hàn hoàn toàn không được lựa chọn trong ngân hàng câu hỏi kiểm tra tiếng Hàn mà nội dung sẽ dưa trên “Giáo trình tiếng Hàn Quốc chuẩn”.
Đầu tháng 12/2012, kỳ thi đầu tiên đã được tổ chức cho những lao động đã sang Hàn Quốc làm việc, mãn hạn hợp đồng trở về nước đúng thời hạn, có nguyện vọng quay trở lại Hàn Quốc làm việc. Đây là chính sách mới của nước này nhằm khuyến khích lao động nước ngoài chấp hành tốt các quy định của Hàn Quốc, trong suốt thời gian hợp đồng lao động không chuyển đổi nơi làm việc, khi mãn hợp đồng thì về nước đúng hạn, không trốn ra ngoài làm việc bất hợp pháp… Tuy nhiên, trước khi trở lại Hàn Quốc, các lao động phải thông qua kỳ kiểm tra tiếng Hàn trên máy tính.

Trao đổi trước giờ thi với các thí sinh, nhiều bạn cho rằng việc tổ chức kỳ thi này rất có ý nghĩa đối với những người có nguyện vọng đi xuất khẩu lao động, kiếm thu nhập về lo cho gia đình. Theo các bạn, thông tin về kỳ thi CBT đã được thông tin rộng rãi cho các lao động Việt Nam tại Hàn Quốc. Trên thực tế, bản thân người lao động cũng hiểu rằng việc cư trú bất hợp pháp sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy, dễ bị bắt và trục xuất, không được đóng bảo hiểm hoặc nợ lương, tuy nhiên, vì quá lo lắng sẽ thi không đạt, kéo dài thời gian chờ ngày quay lại làm việc hoặc sẽ mất cơ hội sang Hàn Quốc nên vẫn còn nhiều người lao động bị lôi kéo, rủ rê trốn ra ngoài làm việc, cư trú bất hợp pháp sau thời gian hết hợp đồng lao động.
Trước thông tin Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có đề xuất phạt từ 50 triệu đến 100 triệu đồng đối với người lao động cư trú bất hợp pháp, nhiều người lao động cho rằng biện pháp này là không khả thi vì việc giữ lại tiền làm công sẽ gây ra nhiều vấn đề bất cập. Tuy nhiên, ông Phan Văn Minh, Giám đốc trung tâm cho rằng, thời gian qua, Trung tâm Lao động ngoài nước phối hợp với Cục Lao động ngoài nước, được sự chỉ đạo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã đưa ra rất nhiều giải pháp nhằm hạn chế tình trạng lao động cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài, song các giải pháp này mới tập trung ở hình thức tuyên truyền và so với yêu cầu của cả Việt Nam và Hàn Quốc đều chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Theo báo cáo trong quý I/20013, số lượng lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp ở Hàn Quốc có giảm so với tháng 9/2012 nhưng chưa đáng kể, từ 56,4% xuống còn 54,4%, trong khi các nước trong khu vực đã đạt tỷ lệ khoảng 21%. Do đó, chế tài kinh tế là cần phải có.
Theo đó, Trung tâm Lao động ngoài nước đã phối hợp với Cục quản lý Lao động ngoài nước xây dựng mức xử lý hành chính, như ký quỹ; đề xuất thay đổi cách thu chi trả trợ cấp thôi việc; giữ lại một phần lương của người lao động. Dự kiến, mức ký quỹ khoảng 4.000 – 5.000$, mức lương giữ lại là 20 – 30%.
Đến thời điểm này, phía Hàn Quốc vẫn chưa công bố hạn ngạch tuyển dụng lao động Việt Nam năm 2013. Do đó, hiện chúng ta chỉ có thể xúc tiến các hoạt động đưa những lao động về nước đúng hạn sang Hàn Quốc. Còn các hồ sơ mới sẽ phải chờ đến khi Hàn Quốc gia hạn trở lại. Lý do chính là vì tỷ lệ người lao động Việt Nam đang làm việc tại Hàn Quốc bỏ trốn ra ngoài làm việc trái phép, đã mãn hạn hợp đồng nhưng không chịu về nước vẫn còn khá nhiều. Vì vậy, công tác tuyên truyền cần được đẩy mạnh và có sự phối hợp, vào cuộc của các cấp ngành, được sự chỉ đạo từ chính quyền địa phương, nơi có nhiều lao động đang bỏ trốn để kêu gọi con em quay trở về, cũng là tạo điều kiện cho lực lượng lao động tiếp theo của Việt Nam có cơ hội tìm kiếm việc làm phù hợp, thu nhập khá để góp phần xóa đói giảm nghèo…
Nguồn: molisa.gov.vn