Ngày 3/4, tại Hà Nội, đại diện lãnh đạo một số Bộ, Ban, ngành đã tham dự Chương trình truyền hình trực tiếp của kênh VTC 16 về đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020. Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân – Trưởng Ban Chỉ đạo TW Đề án 1956, dự và phát biểu chỉ đạo...
Trong 3 năm (2010-2012), các địa phương đã hỗ trợ dạy nghề cho 1.086.979 lao động nông thôn, đạt 77,6% kế hoạch; đào tạo, bồi dưỡng 177.069 lượt cán bộ, công chức xã và tổng số kinh phí đã sử dụng: 4.461 tỷ đồng, bằng 17,2% tổng kinh phí thực hiện Đề án này trong giai đoạn 2010-2020...
Những người nông dân tiêu biểu trong việc thực hiện Đề án 1956 đến từ Tuyên Quang, Thanh Hóa, Bến Tre đã kể những câu chuyện thành công của mình từ khi được tham gia Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn tới năm 2020, đồng thời chia sẻ băn khoăn của họ về tiếp cận vốn vay ưu đãi phục vụ sản xuất; chính sách hỗ trợ tài chính; thông tin về chọn chương trình học, thời gian học; việc làm sau khi học nghề xong...
Những mô hình thành công nhất được lựa chọn để giao lưu, trao đổi trong chương trình. Tất cả những vấn đề “nóng” trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được đề cập và trao đổi thẳng thắn, qua đó đại diện các Bộ ngành đã trực tiếp lắng nghe và suy nghĩ những giải pháp tháo gỡ những khó khăn vướng mắc từ những vấn đề mà người nông dân còn băn khoăn để trong thời gian tới được thấm sâu vào đời sống của hàng triệu người nông dân Việt Nam.
Ví dụ thực tế ở An Giang cho thấy vẫn có những lớp dạy nghề mở cửa vào nửa đêm chỉ vì thời gian triển khai quá gấp gáp, người nông dân phải học cả ban đêm thì mới đảm bảo kế hoạch trên giao.

Nhiều người nông dân có cơ hội học nghề khi địa phương triển khai thực hiện đề án
Phát biểu tại chương trình, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã nêu rõ những ưu đãi đặc biệt mà Chính phủ dành cho người nông dân cả nước khi tham gia đào tạo nghề, nhằm thực hiện có hiệu quả, đề nghị UBND các cấp tiếp tục quan tâm chỉ đạo tập trung hơn nữa, rút kinh nghiệm 3 năm triển khai để Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ gắn chặt với việc làm và cải thiện đời sống người nông dân. Với mục tiêu đến năm 2020, sự nghiệp phát triển nhân lực của Việt Nam gắn với thành công của công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, để người nông dân Việt Nam thoát nghèo, có thu nhập cao hơn, ấm no hơn và sự nghiệp xây dựng nông thôn mới tiếp tục những bước phát triển bền vững...
Nguồn: molisa.gov.vn