Tham dự Hội nghị có ông Dương Đức Lân - Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, ông Nghiêm Trọng Quý - Phó Tổng cục trưởng; đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); đại diện lãnh đạo các Sở LĐ-TB&XH, một số trường cao đẳng, đại học có tham gia dạy nghề ở phía Nam cùng đại diện 30 doanh nghiệp tại tỉnh Bình Dương, Đồng Nai.
Phát biểu khai mạc, ông Dương Đức Lân cho biết: Ở các nước phát triển, hoạt động đào tạo nghề được xác định là trách nhiệm và quyền hạn của doanh nghiệp. Nhưng ở Việt Nam, những quy định về trách nhiệm, vai trò của doanh nghiệp trong vấn đề này còn rất lỏng lẻo. Hầu hết các doanh nghiệp vẫn chưa quan tâm đến đào tạo nghề cho người lao động.
Tuy thời gian gần đây, một số doanh nghiệp đã đặt vấn đề đào tạo và nâng cao chất lượng lao động trở thành yếu tố quan trọng và cũng xuất hiện một số mô hình thí điểm về hợp tác giữa doanh nghiệp và nhà trường trong hoạt động dạy nghề nhưng nhìn chung, sự phối hợp, chủ động tham gia của doanh nghiệp với các cơ sở dạy nghề còn hạn chế. Do đó, tại Hội thảo, các ý kiến đóng góp của các đại biểu bàn về quyền hạn và trách nhiệm của doanh nghiệp hướng tới việc làm bền vững sẽ là cơ sở để thay đổi đáng kể trong đào tạo nghề, doanh nghiệp nhận thấy sự cần thiết trong đào tạo lao động để từ đó có những hoạt động thiết thực tạo sự phát triển bền vững.
Lãnh đạo Tổng Cục Dạy nghề sẽ ghi nhận và tiếp thu những đề xuất của các đại biểu để có những nhận định trúng hơn, kịp thời kiến nghị thay đổi, sửa đổi Luật Việc làm và sớm trình lên Chính phủ trong năm 2014.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận các vấn đề như: trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với đào tạo nghề; thực trạng và giải pháp gắn kết dạy nghề với doanh nghiệp; tác động của mối quan hệ dạy nghề - doanh nghiệp đến chất lượng và hiệu quả dạy nghề; quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp trong dạy nghề - Những hạn chế, bất cập dưới góc nhìn của cơ sở dạy nghề. Bên cạnh đó, còn có các tham luận chia sẻ về những kinh nghiệm, các mô hình hợp tác với doanh nghiệp để nâng cao chất lượng dạy nghề tại TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương…
Ông Nguyễn Thành Hiệp – Trưởng phòng Dạy nghề (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP.HCM) cho rằng: mục tiêu của nhà trường là đào tạo nhân lực kỹ thuật cho xã hội mà trực tiếp là các doanh nghiệp. Ngược lại, doanh nghiệp phải xem nhà trường là nơi cung ứng sản phẩm tin cậy, đó chính là yếu tố “đầu vào” vô cùng quan trọng trong hoạt động của đơn vị. Để nâng cao hiệu quả dạy nghề gắn với doanh nghiệp, nhà trường cần chủ động tiếp cận doanh nghiệp để cập nhật thông tin về nhu cầu lao động, công nghệ - kỹ thuật, yêu cầu đặc thù của doanh nghiệp và chủ động đặt vấn đề hợp tác tuyển sinh, đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp.
Để thu hút doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề, ông Võ Quang Huệ - Tổng Giám đốc Bosch Việt Nam đề xuất: Các bộ, ban ngành liên quan cần có những nghiên cứu như có thể giảm thuế cho doanh nghiệp khi đầu tư chi phí trong đào tạo nghề. Doanh nghiệp khi đã tham gia đào tạo nghề cũng cần cam kết nhận người học nghề, học viên vào làm việc sau khi tốt nghiệp. Với người học nghề phải thể hiện được năng lực, trình độ nhất định và đội ngũ dạy nghề luôn luôn có sự chủ động nâng cao trình độ chuyên môn để đổi mới chương trình, phương pháp đào tạo sát với nhu cầu của đơn vị.
Nguồn: molisa.gov.vn
|