Những năm gần đây, chất lượng và hiệu quả công tác dạy nghề của các bộ, ngành, địa phương đã có những chuyển biến tích cực theo hướng gắn đào tạo với nhu cầu của thị trường lao động và doanh nghiệp.

Ảnh minh họa ,Nguồn : internet
Theo điều tra của Viện Nghiên cứu khoa học dạy nghề (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) về đánh giá của các doanh nghiệp đối với lao động qua đào tạo nghề, cho thấy: Nghiệp vụ, kỹ năng nghề của học sinh tốt nghiệp các trường dạy nghề được nâng lên, từng bước đáp ứng yêu cầu về chất lượng và nhu cầu của thị trường lao động. Có khoảng 85% số lao động được sử dụng đúng trình độ đào tạo, trong đó 30% được đánh giá có kỹ năng nghề từ khá trở lên. Hơn 70% số học sinh trường nghề tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm ngay sau khi tốt nghiệp; ở một số nghề và trường nghề tỷ lệ này đạt hơn 90%. Ở một số nghề, kỹ năng nghề của học sinh tốt nghiệp đạt chuẩn quốc tế như: nấu ăn, dịch vụ nhà hàng, thủy thủ tàu biển, thuyền trưởng hoặc lĩnh vực viễn thông, dầu khí, điện, cầu đường...
Lao động trẻ qua đào tạo nghề tham gia vào hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân và có khả năng đảm nhiệm những vị trí công việc phức tạp mà trước đây phải thuê lao động kỹ thuật nước ngoài thực hiện. Vì thế, nguồn nhân lực nói trên có vai trò, ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nhưng hiện nay, thanh niên vẫn chưa mặn mà với việc học nghề, mỗi khi kỳ thi đại học, cao đẳng đến gần, họ lại băn khoăn với câu hỏi: Học làm "thầy" hay học làm "thợ"? Băn khoăn này xuất phát từ những nguyên nhân chủ yếu như: Một số địa phương, ngành liên quan chưa nhận thức đúng về vai trò của dạy nghề trong việc đào tạo nhân lực kỹ thuật, chưa coi đây là nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, chưa quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho việc mở rộng và thành lập mới các cơ sở dạy nghề. Bên cạnh đó, công tác thông tin, tuyên truyền, tư vấn và hướng nghiệp về dạy nghề còn yếu; chưa làm cho xã hội, nhất là học sinh tốt nghiệp THCS, THPT, thanh niên hiểu đúng và lựa chọn học nghề là một trong những con đường lập thân, lập nghiệp phù hợp khả năng và điều kiện bản thân. Việc xã hội hóa dạy nghề còn chưa thu hút được nhiều tổ chức, cá nhân, nhất là doanh nghiệp tham gia...
Ðể nâng cao chất lượng công tác dạy nghề, thu hút thanh niên tham gia học nghề; các ngành, các cấp tham gia cần đổi mới toàn diện công tác dạy nghề, tạo sự đột phá trong chất lượng đào tạo; xây dựng hệ thống dạy nghề hiện đại, phù hợp, linh hoạt và hiệu quả. Bảo đảm các mục tiêu trong chiến lược, Nghị quyết, kế hoạch... về công tác đào tạo nghề mà Ðảng và Nhà nước đã đề ra.
Ðứng trước đòi hỏi, yêu cầu đó, công tác dạy nghề cần hướng tới việc đào tạo ở nhiều trình độ khác nhau. Trong đó, chú trọng đào tạo trình độ sơ cấp và dạy nghề ngắn hạn để phổ cập nghề cho người lao động, nhằm chuyển dịch cơ cấu lao động, nhất là ở khu vực nông thôn; gắn việc nâng cao năng suất lao động với nâng cao thu nhập, mức sống cho người lao động, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Bên cạnh đó, tăng cường và đẩy mạnh đào tạo nghề trình độ cao đẳng nghề, trung cấp nghề để xây dựng đội ngũ nhân lực kỹ thuật trực tiếp trong sản xuất, kinh doanh, có chất lượng cao và đáp ứng nhu cầu tuyển dụng lao động của các KCN, KCX, vùng kinh tế trọng điểm, các ngành kinh tế mũi nhọn và xuất khẩu lao động. Ðồng thời, đào tạo một số nghề thuộc lĩnh vực công nghệ cao và ngành kinh tế mũi nhọn đạt trình độ tiên tiến theo tiêu chuẩn các nước phát triển, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững của đất nước.
Theo Mạnh Dương (nhandan.org.vn)