 |
Báo cáo với đoàn về tình hình lao động Việt Nam tại đây, bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung, Trưởng Ban Quản lý Lao động Việt Nam tại Đài Loan cho biết: Số lượng lao động Việt Nam đi làm việc tại Đài Loan trong năm 2013 tiếp tục gia tăng. Tính đến 31/8/2013, tổng số lao động nước ngoài tại thị trường này là 469.199 người, riêng ngành sản xuất là 248.754 người, trong đó lao động Việt Nam có tổng số 116.224 người, chiếm 24,7%, làm việc chủ yếu trong ngành sản xuất chế tạo (94.960 người), đứng thứ nhì về tổng số lao động nước ngoài tại Đài Loan (chỉ sau Indonesia với 205.513 lao động), sếp trên nhiều so với Philipin (84.741 lao động) và Thái Lan (62.717 lao động). Như vậy, trong 8 tháng đầu năm 2013, số lao động Việt Nam đi làm việc tại Đài Loan chiếm hơn 40% tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài và lớn hơn nhiều so với số lao động Việt Nam đi làm việc ở các thị trường khác (23.270 lao động đi làm việc ở Đài Loan so với 5.068 lao động đi Nhật Bản, 4.904 lao động đi Malaysia...).
Thị trường lao động nước ngoài tại Đài Loan hiện nay chủ yếu dựa vào nguồn cung ứng lao động của Indonesia và Việt Nam, trong đó Indonesia chiếm ưu thế trong việc cung ứng lao động ngành dịch vụ; còn Việt Nam là nguồn cung ứng chủ yếu cho lao động khu vực sản xuất.
Mới đây, Đài Loan đã ban hành một số chính sách mới liên quan đến lao động nước ngoài. Phần lớn các quy định này tạo điều kiện thuận lợi cho lao động nước ngoài tới làm việc ở Đài Loan cũng như khuyến khích các doanh nghiệp ở đây tuyển dụng lao động nước ngoài nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực của mình. Rõ nhất là việc nới lỏng các điều kiện tiếp nhận lao động nước ngoài nhằm bổ sung nhân lực cho các ngành sản xuất, tăng thêm 3 ngành được nhận lao động nước ngoài: sản xuất mũ an toàn bằng nhựa, ngành sản xuất sản phẩm vệ sinh làm sạch và ngành sản xuất mỹ phẩm... Cùng với đó, các cuy định ưu đãi về hạn ngạch tiếp nhận lao động nước ngoài cũng được điều chỉnh theo hướng: Doanh nghiệp tăng đầu tư mới tại Đài Loan được xin thêm 5 -10% tỷ lệ lao động nước ngoài so với mức cho phép; doanh nghiệp Đài Loan về nước đầu tư được xin thêm 15-20% tỷ lệ lao động nước ngoài. Đồng thời lương cơ bản từ 1/4/2013 cũng được tăng lên 19.047 Đài tệ/tháng (tương đương gần 14 triệu đồng Việt Nam). Ủy ban Lao động Đài Loan cũng sửa đổi và ban hành Quy trình hỗ trợ người nước ngoài bỏ trốn tự nguyện đăng ký về nước trong việc lấy lại hộ chiếu, tiền và tài sản mà chủ sử dụng hoặc môi giới cũ còn giữ từ ngày 11/6/2013.
Một thuận lợi nữa là Đài Loan chỉ quy định tổng số hạn ngạch dành cho lao động nước ngoài mà không quy định số lượng cụ thể cho mỗi nước, chính vì vậy, việc cung ứng lao động sang đây gần như không bị giới hạn.
Từ ngày 7/1/2013, Đài Loan chính thức thực hiện quy định về việc không gia hạn giấy phép hoặc không cho phép thành lập chi nhánh đối với công ty môi giới của Đài Loan và không gia hạn giấy phép đối với công ty XKLĐ của nước phái cử lao động nếu có tỷ lệ lao động bỏ trốn trong 3 tháng đầu sau khi nhập cảnh cao.
Theo đánh giá của bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung, Đài Loan là một thị trường trọng điểm đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài của Việt Nam với mức thu nhập tương đối cao, nhiều nét văn hoá tương đồng, khoảng cách địa lý gần gũi. Hiện thu nhập bình quân của người lao động tại đây đạt khoảng 650 USD/tháng.
Tuy nhiên, một vấn đề nhức nhối hiện nay là tỷ lệ bỏ trốn, ra ngoài làm việc bất hợp pháp của lao động Việt Nam vẫn khá cao, chiếm khoảng 10%. Lao động bỏ trốn có nhiều lý do, nhưng điều quan trọng nhất vẫn là chi phí môi giới quá cao so với quy định, khiến họ phải bỏ trốn ra ngoài làm việc hòng thu lại chi phí đã bỏ ra. Theo quy định của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội từ ngày 1.4.2012, tổng chi phí của người lao động đi làm việc tại Đài Loan trong các ngành công nghiệp không vượt quá 4.500USD/người/3 năm và trong đó tiền môi giới không quá 1.500USD/người, tiền đặt đọc không quá 1000 USD; giúp việc và chăm sóc sức khoẻ không vượt quá 3.800USD/người/3 năm và tiền môi giới không vượt quá 800USD/người. Nhưng theo khảo sát và tìm hiểu của chúng tôi qua phỏng vấn trực tiếp người lao động ngay trong chuyến đi sang Đài Loan, phần lớn phải chịu mức tổng chi phí từ 5000 – 6000 USD.
Thêm vào đó, tại Viện Nam, do nhiều doanh nghiệp XKLĐ có giấy phép đưa lao động sang làm việc tại Đài Loan đã không trực tiếp tìm kiếm, khai thác hợp đồng, tuyển chọn, đào tạo và làm thủ tục xuất cảnh cho người lao động mà bán hoặc cho thuê pháp nhân để thực hiện và thu một khoản phí từ 150 - 200 USD. Hiện có khoảng 900 công ty của Đài Loan ký hợp đồng với 67 côgn ty Việt Nam, nhưng các đơn vị này đã thành lập 104 chi nhánh và 136 cơ sở sở đào tạo (chưa tính văn phòng đại diện) để các trung tâm, cơ sở đào tạo, văn phòng tư vấn. Do vậy, phần lớn người lao động đi XKLĐ không hề biết doanh nghiệp nào của Việt Nam đưa đi.
Bên cạnh ý thức kém của người lao động, thì cũng phải kể đến nguyên do phía luật pháp Đài Loan đã rất chú trọng bảo vệ lao động nước ngoài, kể cả trong trường hợp người lao động bỏ trốn nếu chủ sử dụng có giữ lại tiền đặt cọc vẫn phải trả lại tiền cho người lao động. Ngoài ra, người sử dụng lao động Đài Loan vẫn thích sử dụng lao động Việt Nam, kể cả lao động bất hợp pháp. Thêm vào đó, sự hiện diện của hơn 100 nghìn cô dâu Việt tại xứ Đài cũng tạo điều kiện thuận lợi cho lao động bỏ trốn.
Từ thực trạng nêu trên, các cơ quan chức năng của Việt Nam phối với Cục Huấn nghiệp thuộc Ủy ban Lao động Đài Loan đã đưa ra các biện pháp ngăn ngừa tình trạng lao động bỏ trốn, tăng cường kiểm tra, kiểm soát đưa ra những biện pháp để đưa lao động bỏ trốn về nước, động thời xây dựng phương án giảm chi phí cho người lao động. Trước mắt, yêu cần chấn chỉnh ngay các hoạt động XKLĐ của các doanh nghiệp đầu mối, tránh tình trạng ủy quyền, phó mặc mọi trách nhiệm cho các chi nhánh, văn phòng đại diện trong việc tổ chức tuyển chọn và đưa lao động đi làm việc tại nước ngoài như hiện nay.
Tại buổi làm việc với Đoàn khảo sát, đại diện Ban Quản lý Lao động Việt Nam tại Đài Loan đã trả lời nhiều câu hỏi và thắc mắc của lãnh đạo các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội xung quanh việc đưa lao động sang Đài Loan, đồng thời cũng bày tỏ mong muốn các Sở với chức năng là cơ quan quản lý Nhà nước về lao động ở địa phương phối hợp chặt chẽ với Cục Quản lý Lao động ngoài nước và các doanh nghiệp hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng lao động bỏ trốn để không ngừng nâng cao số lượng và chất lượng lao động Việt Nam sang làm việc tại Đài Loan.
Nguồn: molisa.gov.vn
|