Từ đó đến nay, đã có trên 71.000 lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình này, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bản thân người lao động, gia đình họ và cho cả đất nước. So với 14 quốc gia phái cử khác, Việt Nam luôn dẫn đầu về tỷ lệ lao động được chủ sử dụng lao động Hàn Quốc lựa chọn.
Số lượng lao động Việt Nam được tiếp nhận chiếm trên 25% tổng số lao động nước ngoài làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS. Tuy nhiên, từ cuối năm 2010, phát sinh vấn đề người lao động sau khi hết hạn hợp đồng lao động không về nước, ở lại làm việc và cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Mặc dù sau đó phía Việt Nam đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm giảm tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước. Thế nhưng tỷ lệ này vẫn không có dấu hiệu đi xuống. Trước tình hình đó, Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc đã ngừng ký gia hạn Bản Ghi nhớ đã hết hạn vào ngày 29/8/2012 và tạm ngừng tiếp nhận mới lao động Việt Nam.

Hơn 11.000 lao động đã thi đỗ tiếng Hàn cuối tháng 12/2011 sẽ được giới thiệu cho người sử dụng lao động Hàn Quốc lựa chọn tiếp nhận sang làm việc
Với mong muốn bình thường hóa quan hệ hợp tác lao động giữa Việt Nam và Hàn Quốc, thời gian qua Chính phủ Việt Nam đã rất quan tâm giải quyết vấn đề lao động hết hạn hợp đồng không về nước qua việc triển khai quyết liệt và đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó nổi bật nhất là những giải pháp sau:
- Ngày 21/8/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1465/QĐ-TTg về việc thực hiện thí điểm ký quỹ đối với người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc;
- Ngày 21/8/2013, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đã ký Quyết định số 1225/QĐ-LĐTBXH về việc thành lập Văn phòng quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc theo chương trình cấp phép việc làm cho người lao động nước ngoài của Hàn Quốc trực thuộc Trung tâm lao động ngoài nước;
- Ngày 22/8/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 95/2013/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
Bên cạnh đó, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai hàng loạt các hoạt động thông tin tuyên truyền ở cả Việt Nam và Hàn Quốc để vận động người lao động Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc về nước đúng hạn.
Ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam, ngày 31/12/2013, Hàn Quốc và Việt Nam đã ký kết Bản ghi nhớ đặc biệt tạo điều kiện cho một số đối tượng có cơ hội đi làm việc tại Hàn Quốc, gồm:
- Những lao động đã đỗ kỳ kiểm tra năng lực tiếng Hàn thực hiện đợt cuối tháng 12/2011 và những lao động huyện nghèo đã đỗ kỳ kiểm tra tiếng Hàn đợt cuối tháng 8/2012 để sang Hàn Quốc làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp: Giá trị của chứng chỉ tiếng Hàn sẽ được gia hạn đúng bằng thời gian mà Bản ghi nhớ bị tạm dừng đến thời điểm này là 1 năm (Bản ghi nhớ bị tạm dừng từ 29/8/2012). Theo đó, những lao động này sẽ được giới thiệu với người sử dụng lao động Hàn Quốc để họ lựa chọn tiếp nhận sang làm việc tại Hàn Quốc;
- Những ứng viên là lao động huyện nghèo đã đăng ký kiểm tra tiếng Hàn đợt tháng 8/2012 để sang Hàn Quốc làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp: Sẽ được tham gia kiểm tra tiếng Hàn;
- Những ứng viên đã đỗ kỳ kiểm tra tiếng Hàn đặc biệt được tổ chức trên máy tính dành cho những lao động đã hoàn thành hợp đồng 3 năm tại Hàn Quốc và về nước đúng hạn có nguyện vọng trở lại Hàn Quốc nhưng chưa được bố trí trở lại nơi làm việc cũ: Sẽ được giới thiệu với người sử dụng lao động mới để lựa chọn tiếp nhận sang làm việc tại Hàn Quốc.
Như vậy, với việc ký Bản ghi nhớ đặc biệt này, hơn 11.000 lao động đã thi đỗ tiếng Hàn đợt cuối tháng 12/2011, những lao động huyện nghèo đã đỗ kỳ kiểm tra tiếng Hàn đợt cuối tháng 8/2012 và những lao động đã đỗ kỳ kiểm tra tiếng Hàn đặc biệt trên máy tính dành cho những lao động đã hoàn thành hợp đồng 3 năm tại Hàn Quốc và về nước đúng hạn có nguyện vọng trở lại Hàn Quốc nhưng chưa được bố trí việc làm tại chỗ làm việc cũ, sẽ được giới thiệu cho người sử dụng lao động Hàn Quốc lựa chọn tiếp nhận sang Hàn Quốc làm việc. Trên cơ sở việc triển khai thực hiện Bản ghi nhớ đặc biệt này và căn cứ và nỗ lực cũng như kết quả mà chúng ta đạt được trong việc triển khai thực hiện các giải pháp giảm tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước, phía Hàn Quốc sẽ cân nhắc việc ký lại Bản ghi nhớ về hợp tác lao động với Việt Nam.
Theo Tcldxh