Tham dự hội nghị còn có ông Nguyễn Ngọc Quỳnh – Cục trưởng Cục quản lý Lao động Ngoài nước, ông Phan Văn Minh – Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước, Đại diện Tùy viên lao động Hàn Quốc tại Việt Nam; đại diện lãnh đạo 14 Sở Lao động – Thương binh và Xã hội có tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp nhiều tại Hàn năm 2013 và số lao động hết hạn hợp đồng phải về nước trong năm 2014 và cùng thân nhân gia đình có con em đi làm việc tại Hàn Quốc cũng về dự Hội nghị.
Tại Hội nghị, ông Phan Văn Minh – Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước đã báo cáo tình hình thực hiện các giải pháp giảm tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc năm 2013 và kế hoạch triển khai công tác tuyên truyền, vận động người lao động về nước năm 2014. Theo đó, thực hiện bản ghi nhớ giữ Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã ký với Bộ việc làm và Lao động Hàn Quốc về việc phái cử và tiếp nhận người lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS, từ năm 2004 đến nay, Việt Nam đã đưa được gần 74.000 lượt người lao động sang làm việc tại Hàn Quốc. Theo quy định, người lao động chỉ nộp khoản tiền tương đương với 630 USD để trang trải các chi phí bao gồm: vé máy bay, lệ phí xin cấp visa, bồi dưỡng kiến thức cần thiết và các chi phí hành chính khác. Thu nhập của người lao động tại Hàn Quốc bình quân từ 900 – 1.200 USD/tháng. Mỗi năm, người lao động từ Hàn Quốc gửi về ước khoảng trên 700 triệu đôlà Mỹ.
Tuy nhiên, từ cuối năm 2010 đến nay phát sinh tình trạng người lao động Việt Nam sau khi hết hạn hợp đồng lao động không trở về nước mà lại ở lại làm việc và cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc, tỷ lệ số lao động này tính bình quân ở mức trung bình là gần 50%, có thời điểm lên đến 57%, cao gấp hơn 2 lần so với mức bình quân củ 15 nước tham gia chương trình EPS. Năm 2013, mặc dù Trung tâm Lao động ngoài nước đã tích cực phối hợp với Cục quản lý lao động ngoài nước, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố có nhiều lao động đang làm việc và cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc để tuyên truyền, vận động gia đình động viên thân nhân của họ về nước đúng thời hạn quy định để giảm thiểu tỷ lệ lao động không về nước sau khi hết hạn hợp đồng lao động, tuy nhiên kết quả chưa đạt được như mong muốn. Tỷ lệ người lao động Việt Nam không về nước trước sau khi hết hạn hợp đồng lao động trong tháng 10/2013 tuy có giảm xuống còn 38,2% nhưng trong tháng 11/2013 lại tăng lên 42,5%.
Tại các tỉnh thành khu vực phía Nam có 14 tỉnh/thành phố có số lượng người lao động hết hạn hợp đồng lao động, không về nước, ở lại cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc trong năm 2014, cụ thể như: Đắk Lăk có 25/45 người ( chiếm 55,56%), Bạc Liêu 24/45 người (chiếm 53,33%), Quảng Ngãi 64/126 người ( chiếm 50,79%), Đăk Nông 14/28 người (chiếm 50%), Đồng Nai 19/40 người ( chiếm 47,50%), Thừa Thiên Huế 51/120 ngưới ( chiếm 42,50%), Quảng Nam 51/122 người (chiếm,80%), Đà Nẵng 19/49 người ( chiếm 38,78%), Kontum 15/42 ( chiếm 35,71%), TPHCM 62/176 người ( chiếm 35,23%), Bến Tre 70/206 người ( chiếm 33,98%), Cần Thơ 36/107 người ( chiếm 33,64%), Tây Ninh 18/54 người (chiếm 33,33%) và Bình Dương 15/72 người ( chiếm 19,23%).
Việc người lao động không về nước đúng quy định là vi phạm hợp đồng đã ký với doanh nghiệp Hàn Quốc sử dụng lao động, vi phạm quy định của pháp luật Việt Nam và Hàn Quốc.
Trước tình trạng này, phía Hàn Quốc không ký gia hạn Bản ghi nhớ nói trên (đã hết hiệu lực vào ngày 28/8/2012). Kể từ đó đến hết năm 2013, Hàn Quốc đã dừng tiếp nhận mới lao động Việt Nam mà trước đó, mỗi năm có khoảng từ 8.000 đến 11.600 lao động mới Việt Nam được sang Hàn Quốc làm việc theo chương trình EPS.
Vì vậy, trong năm 2013, chỉ có 2.740 lao động là những người thuộc đối tượng lao động mẫu mực và những lao động hết hạn hợp đồng lao động về nước đúng thời hạn, đạt yêu cầu qua kỳ kiểm tra tiếng Hàn trên máy tính và được các doanh nghiệp cũ lựa chọn mới được tái nhập cảnh, sang làm việc tại Hàn Quốc.
Với những nỗ lực giảm tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng lao động về nước, ở lại cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc, lãnh đạo Bộ LĐTBXH đã chỉ đạo các đơn vị liên quan của Bộ tập trung triển khai các giải pháp nhằm hạn chế tình trạng nêu trên. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng của các Bộ, ngành nghiên cứu trình Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ bàn hành các chế tài đối với lao động làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS và được phía Hàn Quốc đánh giá cao.
Theo đó, ngày 31/12/2013, Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc đã ký kết Bản Ghi nhớ đặc biệt về việc phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS. Chương trình này sẽ có 3 nhóm đối tượng sẽ có cơ hội đi làm việc tại Hàn Quốc trong năm 2014, đó là: Những người lao động đã đạt yêu cầu qua kỳ kiểm tra tiếng Hàn tháng 12/2011, tháng 5/2012 và tháng 8/2012 sẽ được gia hạn chứng chỉ kiểm tra tiếng Hàn ( nếu hết hạn) và hoàn thiện lại hồ sơ để giới thiệu cho doanh nghiệp Hàn Quốc sử dụng lao động lựa chọn trong tổng số 12.275 người.
Nhóm đối tượng thứ hai là, những người lao động đã đăng ký dự kiểm tra tiếng Hàn trên máy tính trong ngành nông nghiệp vào tháng 8/2012 và đã nộp lệ phí kiểm tra nhưng chưa được tham gia dự kiểm tra sẽ được tham dự kiểm tra tiếng Hàn vào ngày 23/3/2014 (1.895 người).
Và nhóm đối tượng thứ 3 là, những người lao động hoàn thành hợp đồng lao động trở về nước đúng thời hạn, đạt yêu cầu qua kỳ kiểm tra tiếng Hàn trên máy tính nhưng không được doanh nghiệp Hàn Quốc sử dụng lao động cũ lựa chọn sẽ được hoàn thiện hồ sơ để giới thiệu cho doanh nghiệp Hàn Quốc sử dụng lao động mới lựa chọn (2.906 người).
Tuy nhiên, phía Hàn Quốc cũng cho biết, hạn ngạch cho lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc trong năm 2014 sẽ không nhiều và cuối tháng 11/2014 trước khi Bản Ghi nhớ đặc biệt hết hiệu lực, căn cứ tỷ lệ lao động Việt Nam hết hạn hợp đồng lao động không về nước mà lại ở lại làm việc và cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc 2 bên sẽ xem xét về việc tiếp tục hay không việc tái Bản Ghi nhớ về việc phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam, như những lần đã ký trước đây.
Ngoài ra, trong năm 2014, số lượng người lao động hết hạn hợp đồng phải về nước là 3.594 người, trong đó có 2 địa phương có số lượng lao động phải về nước nhiều nhất trong năm 2014 là Hà Nội (322 người) và Thanh Hóa (336 người). Các tỉnh khu vực phía Nam có 14 tỉnh, thành phố với tổng số 592 người.
Để đạt được các kế hoạch và mục tiêu đặt ra, trong năm 2013 và 2014, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã triển khai các giải pháp mạnh nhắm giải quyết được tình trạng vấn đề người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS không về nước đúng thời hạn, ở lại làm việc và cư trú bất hợp pháp trong năm 2013 như: Xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1465 QĐ/TTg về việc thí điểm ký quỹ đối với người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS, Nghị định số 95/2013/NĐ –CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động và BHXH và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Ngoài ra, Bộ LĐTBXH cũng phối hợp với các Bộ, ngành liên quan ban hành Thông tư liên tịch số 31/2013/TTLT – BLĐTBXH – BTC về hướng dẫn thực hiện Quyết định 1465/QĐ –TTg; Thông tư liên tịch số 32/2013/TTLT – BLĐTBXH – BNG về hướng dẫn trình tự, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm tại Điểm a, Điểm B và Điểm C, KHoản 2, Điều 35 của Nghị định số 95….
Đồng thời, thành lập Văn phòng Quản lý lao động Việt Nam theo chương trình EPS tại Hàn Quốc; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, vận động người lao động về nước đúng thời hạn; phối hợp với UBND các tỉnh/thành phố ban hành chỉ thị yêu cầu Sở LĐTBXH các tỉnh thành phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương triển khai kế hoạch tuyên truyền tới gia đình người lao động để vận động người thân của họ đang làm việc tại Hàn Quốc hết hạn hợp đồng lao động về nước đúng thời hạn.
Tại Hội nghị, các đại biểu cũng nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức triển khai, vận động các gia đình có người thân đi làm việc tại Hàn Quốc không về nước do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan như: Do chế tài xử phạt chưa cao, vấn đề liên quan đến kinh tế gia đình của họ nên việc vận động cũng không thuận lợi và đặc biệt là người lao động làm việc tại Hàn Quốc nên vận động, tuyên truyền cũng chưa đạt kết quả cao. Ngoài ra, các đại biểu cũng cho rằng việc vận động gia đình người thân ký cam kết về lao động làm việc tại Hàn Quốc về đúng thời hạn cũng không có hiệu quả cao, nguyên nhân là do người lao động chuyển nhà ở, không còn địa chỉ nên không có danh sách chính xác…. Các đại biểu cũng đề nghị Bộ LĐTBXH cần phối hợp với Bộ Lao động việc làm Hàn Quốc để kiến nghị phía bạn cũng có biện pháp và chế tài xử phạt đối với lao động Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc bật hợp pháp. Các đại biểu cũng cho rằng, việc thúc đẩy và tìm ra giải pháp để tác động từ hai phía thì chắc chắn sẽ làm kéo giảm được tỷ lệ lao động Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc không về đúng thời hạn với kết quả cao. Ngoài ra, số lao động Việt Nam đã kết hôn với người Hàn Quốc thì cần có hướng dẫn cho họ hợp thức hóa hợp pháp để giảm tỷ lệ lao động bất hợp pháp mà phía bạn đưa ra; cần có tác động, vận động tại Hàn Quốc nới người lao động làm việc thì mới có tác dụng hiệu quả.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hòa khẳng định: Việc tổ chức Hội nghị lần này là nhằm mời các địa phương có nhiều lao động làm việc tại Hàn Quốc không về đúng hạn, ở lại cư trú bất hợp pháp về đây để nghe các ý kiến, các vẫn đề khó khăn cũng như các kiến nghị và tìm biện pháp thúc đẩy nhằm kéo giảm tỷ lệ lao động ở lại bất hợp pháp về nước đúng thời hạn.
Thứ trưởng cũng cho biết, trong năm 2013, Bộ đã làm rất nhiều việc như đã tham mưu cho Chính phủ ban hành nhiều văn bản liên quan đến lĩnh vực xuất khẩu lao động, tạo ra hành lang pháp lý làm cơ sở xây dựng kế hoạch đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động. Đặc biệt, là trong năm 2013, đã ban hành được văn bản ký quỹ, văn bản về xử phạt hành chính trong lĩnh vực xuất khẩu lao động; thành lập được Văn phòng quản lý lao động ngoài nước và Văn phòng Đại diện của Trung tâm lao động ngoài nước…
Đồng chí cũng khẳng định, việc ban hành được các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực xuất khẩu lao động đã tạo ra khung pháp lý làm cơ sở cho các địa phương triển khai, thực hiện có hiệu quả, góp phần làm giảm tỷ lệ lao động làm việc tại Hàn Quốc không về đúng thời hạn và ở lại bất hợp pháp.
Đồng chí yêu cầu các địa phương tiếp tực thực hiện tốt trong năm 2014 với các nhiệm vụ trọng tâm như: Tiếp tục thông tin, tuyên truyền, vận động, tư vấn cho người lao động và chính quyền địa phương nắm rõ các chủ trương, chính sách về lĩnh vực xuất khẩu lao động và các chế tài xử phạt đối với người vi phạm để triên khai có hiệu quả. Đồng thời, các địa phương phải phối hợp tốt với Trung tâm Lao động ngoài nước và Cục quản lý Lao động ngoài nước về xem xét lại vấn đề ký quỹ cho người lao động và cần thiết bổ sung, điều chỉnh các vẫn đề gì cần thiết cho phù hợp với thực tiễn.
Các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, theo dõi và tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh cưỡng chế, xử lý người lao động vi phạm theo thẩm quyền; quản lý và sử dụng hiệu quả tiền ký quỹ của người lao động tại địa phương. Đ/c cũng yêu cầu Cục quản lý lao động ngoài nước và Trung tâm Lao động ngoài nước phối hợp tốt với các địa phương để thông tin kịp thời, chính xác số liệu lao động vị phạm; đề nghị các địa đẩy mạnh kế hoạch tuyên truyền, vận động gia đình, người thân ký cam kết động viên con em họ không vi phạm.
Đồng chí cũng nhấn mạnh: Tới đây, các địa phương nào nếu không có biện pháp khắc phục và để có tỷ lệ lao động bỏ trốn bất hợp pháp tại Hàn Quốc thì tiếp tục dừng và có thể dựng 1 đến 2 năm. Đồng chí cũng kiến nghị phía Hàn Quốc nên xem xét việc chi trả trợ cấp cho người lao động Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc ở Việt Nam để khi lao động về nước đúng hạn mới được hường còn không về sẽ lấy khoản trợ cấp này đưa vào quỹ xuất khẩu lao động. Đồng thời, kiến nghị phía bạn tăng cường việc xử phạt và quản lý lao động nước ngoài.
Thứ trưởng cũng ghi nhận những ý kiến, kiến nghị của các địa phương và tiếp tục nghiên cứu và tìm giải pháp tháo gỡ. Đồng thời, yêu cầu các địa phương sau Hội nghị này về chỉ đạo các đơn vị theo thẩm quyền để triển khai, thực hiện có hiệu quả và đồng chí hy vọng để cuối năm 2014 chúng ta tiếp tục được phía Hàn Quốc ký lại Bản Ghi nhớ.
|
|