TGTT.VN - Thị trường lao động Đài Loan trong vài năm trở lại đây tạo việc làm cho hơn một nửa số lao động xuất khẩu của nước ta. Tuy nhiên, phí môi giới ở thị trường này đang ngày càng được đẩy lên cao khiến cho chi phí trước khi xuất cảnh của người lao động ngày càng nặng gánh. Giảm chi phí trước khi đi cho lao động sang Đài Loan làm việc là mục tiêu Bộ Lao động- Thương binh và xã hội đang rốt ráo thực hiện. Trao đổi với báo Sài Gòn Tiếp Thị, ông Nguyễn Thanh Hoà, thứ trưởng bộ Lao động- thương binh và xã hội cho biết:
Bộ Lao động- Thương binh và xã hội đang rất kiên quyết để giảm phí xuất cảnh cho lao động sang Đài Loan làm việc. Bộ đã yêu cầu các doanh nghiệp đưa lao động đi chỉ được thu mức phí cao nhất tổng cộng là 4.000 USD/lao động. Mới đây bộ đã tạm dừng hoạt động đưa lao động sang Đài Loan của 6 doanh nghiệp, bắt buộc 8 doanh nghiệp phải dừng làm việc với các đối tác vi phạm. Thời gian tạm dừng từ 2- 6 tháng để doanh nghiệp tự chấn chỉnh lại hoạt động. Chúng tôi quyết tâm làm mạnh tay, bởi nếu không làm thì thị trường lao động Đài Loan đang quá nhiễu loạn, phí của người lao động đi sẽ ngày càng cao và không kiềm chế được chuyện tăng phí.
Hiện nay việc xử phạt doanh nghiệp mới chỉ là bước đầu để giảm phí. Ông có thể cho biết thời gian tới sẽ triển khai tiếp các giải pháp gì?
Chúng tôi tiếp tục tăng cường quản lý và kiểm soát việc thu phí của người lao động, cả trong nước và ngoài nước. Ở trong nước thì chúng tôi phát các tài liệu hướng dẫn cho người lao động và để người lao động thông tin tới cơ quan quản lý về chi phí trước khi đi của họ. Nếu phát hiện ra có chuyện doanh nghiệp vi phạm, bộ sẽ đình chỉ doanh nghiệp ngay lập tức. Ngoài ra, kể cả khi lao động đã được đưa sang nước ngoài làm việc chúng tôi cũng có cơ chế để lao động báo cáo, qua đó phát hiện doanh nghiệp sai phạm.
Từ khi lao động phản ánh họ bị thu phí cao hơn quy định đến khi doanh nghiệp bị tạm dừng cung ứng lao động sang Đài Loan mất bao nhiêu thời gian?
Chúng tôi có cơ chế cho lao động phản ánh, chỉ cần lao động xác nhận là phản ánh đúng, chúng tôi sẽ ngay lập tức tạm dừng việc cung ứng lao động đi Đài Loan của doanh nghiệp. Sau đó, doanh nghiệp sẽ phải giải trình về việc thu phí cao, cần thiết thì cơ quan thanh tra sẽ vào cuộc.
Một thực trạng nhức nhối của thị trường Đài Loan là việc các doanh nghiệp có giấy phép cho thuê giấy phép tùm lum, vừa nhiễu loạn thị trường vừa gây ra nhiều hệ luỵ người lao động phải gánh chịu. Việc này bộ sẽ xử lý thế nào?
Chúng tôi cũng tập trung vào chuyện doanh nghiệp có giấy phép lại cho thuê giấy phép, tuy nhiên phải nắm “người có tóc”. Cứ “ông” nào có giấy phép mà phát hiện ra sai phạm thì phải xử ông đó. Tới đây các loại trung tâm thuê giấy phép của doanh nghiệp cũng sẽ bị xử lý hết. Những doanh nghiệp môi giới của Đài Loan thuê giấy phép của doanh nghiệp Việt Nam, tự tuyển và đưa lao động đi tới đây cũng sẽ bị xử lý hết. Quan điểm của tôi là không ủng hộ mô hình này.
Ngoài việc tạm dừng giấy phép, xử phạt, bộ có đưa ra các cơ chế khuyến khích nếu doanh nghiệp tuân thủ quy định không?
Hiện nay, hiệp hội Xuất khẩu lao động đã thành lập ban thị trường Đài Loan do các doanh nghiệp cung ứng lao động sang Đài Loan tự điều hành. Đây là một mô hình tốt bộ Lao động- thương binh và xã hội ủng hộ. Thông qua Ban thị trường Đài Loan này, các doanh nghiệp sẽ cam kết cùng với nhau thực hiện tốt quy định, không có chuyện ông này trả phí môi giới thấp thì công ty môi giới lại chạy sang ông kia trả cao hơn. Bên cạnh đó các doanh nghiệp sẽ phát hiện ra ông nào vượt trần quy định để xử lý. Quan điểm chung là các doanh nghiệp phải cùng hợp sức lại, không để cho doanh nghiệp môi giới Đài Loan lợi dụng doanh nghiệp trong nước cạnh tranh lẫn nhau để nâng phí môi giới lên.
Theo tgtt.motthegioi.vn