Người nghèo đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) được hỗ trợ nhiều thứ, từ ăn uống, đi lại, chi phí học nghề, lệ phí làm lý lịch tư pháp..., họ còn được vay tín chấp ưu đãi 100 triệu đồng để làm chi phí ban đầu. Thế nhưng, kết quả chương trình XKLĐ cho người nghèo tại TP Hồ Chí Minh vẫn rất hạn chế...
Một năm chỉ có 50 người đi XKLĐ
Tất bật chăm sóc đàn heo và bò sữa, anh Phan Tiến Dũng, ngụ xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi (TP Hồ Chí Minh) vẫn không giấu được sự phấn khởi cho biết: "Sản nghiệp gần 20 con bò sữa này có được là nhờ khoản tiền tôi tích lũy được từ đi XKLĐ".
Vui chuyện, anh Dũng cho biết thêm, được xã tuyên truyền đầy đủ về thủ tục, "đường đi nước bước" khi làm việc ở nước ngoài, anh đã mạnh dạn đăng ký. Sau một năm, anh đã trả hết nợ vay chi phí đi XKLĐ. Sang năm thứ hai, anh đã gửi tiền về quê mua được miếng đất 1.000 m 2 lập trang trại chăn nuôi heo và bò sữa. Khi về nước, anh trích một phần tiền hoàn thiện cơ sở vật chất và mua bốn con bò sữa về nuôi. Không những được tư vấn ngay từ trước khi đi XKLĐ, mà cả việc phát triển kinh tế sau khi đi XKLĐ về, anh cũng được chính quyền xã giúp đỡ rất nhiều. Những người sau khi đi XKLĐ về như anh có ý định lập trang trại chăn nuôi, trồng trọt đã được xã mở lớp tập huấn cách chăm sóc cây trồng, vật nuôi. Sau khóa học, anh Dũng đã có thể tự nhận biết và chữa những bệnh thông thường cho đàn gia súc. "Nhờ được tư vấn, hỗ trợ trọn vẹn cả trước, trong và sau khi XKLĐ như thế, tôi đã có cơ hội tích lũy thu nhập, bảo toàn đồng vốn và vươn lên thoát nghèo" - Anh Dũng chia sẻ.
Thế nhưng, những người nghèo đi XKLĐ ở TP Hồ Chí Minh như anh Dũng lại không nhiều. Cả năm 2013, toàn thành phố chỉ có 50 người nghèo đi XKLĐ. Con số này quả là quá khiêm tốn so với số lượng người nghèo đang muốn đổi hướng làm ăn.
Từ năm 2014, theo chuẩn nghèo mới, thành phố có khoảng 130.000 hộ nghèo, song các cơ quan chức năng cũng chỉ đặt mục tiêu đưa khoảng 50 - 60 người ra nước ngoài làm việc. Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh Huỳnh Thanh Khiết cho biết, thời gian qua, thành phố luôn hỗ trợ tối đa cho người lao động nghèo có nhu cầu đi làm việc tại nước ngoài, từ chi phí ăn uống, đi lại, học nghề, làm lý lịch tư pháp...Đặc biệt, người nghèo còn được vay tín chấp ưu đãi 100 triệu đồng để làm chi phí ban đầu đi XKLĐ. Tuy nhiên, hằng năm cũng chỉ có khoảng 50 người đi XKLĐ.
Nguyên nhân từ đâu?
Phần lớn người nghèo chưa mặn mà và chưa xem việc XKLĐ là nhu cầu bức thiết để giảm nghèo. Về tâm lý, số đông lao động nghèo thành phố không thích đi làm việc ở thị trường thu hút nhiều lao động như Ma-lai-xi-a, Trung Đông. Lý do là vì nếu ở thành phố mà chịu khó làm lụng, thu nhập cũng không thua kém nhiều so với đi lao động ở Ma-lai-xi-a, Trung Đông, mà lại không phải xa gia đình. Mong muốn của người lao động thích đi làm việc ở những thị trường có thu nhập cao như Nhật Bản, Hàn Quốc..., trong khi, chỉ tiêu sang các nước đó làm việc không phải lúc nào cũng nhiều để đáp ứng được nhu cầu của người lao động. Yêu cầu của các thị trường này cũng hết sức ngặt nghèo, người lao động nhiều khi khó đáp ứng được.
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố, hạn chế về sức khỏe, trình độ, tác phong làm việc trong môi trường công nghiệp và tâm lý ngại xa nhà là những yếu tố cản trở người lao động nghèo đi XKLĐ. Đã từng có một số lao động đi làm việc ở một nước châu Á, do việc khám sức khỏe không kỹ, nên một số người dù đã xuống sân bay ở nước bạn rồi mà đành phải quay về vì bị phát hiện sức khỏe không đạt yêu cầu. Trưởng phòng Lao động - Tiền lương - Tiền công (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố) Nguyễn Thị Dân góp ý, người lao động cần được sơ khám sức khỏe trước khi học nghề để XKLĐ. Các chuyên gia XKLĐ cũng cho rằng, thành phố cần chú trọng sàng lọc, đào tạo kỹ nhằm bảo đảm đưa người phù hợp đi XKLĐ. Trong quá trình đào tạo, nhất thiết cần phải rèn cho người lao động có kỹ năng và thái độ nghiêm túc với công việc.
Không chỉ người dân chưa mặn mà, chương trình XKLĐ cho người nghèo còn hạn chế cũng bởi chưa có sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp. Toàn thành phố hiện có 35 doanh nghiệp và 16 chi nhánh doanh nghiệp có chức năng đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Kinh phí hỗ trợ học nghề, học ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động được chi trả thông qua hợp đồng giữa Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố với doanh nghiệp. Trong vòng sáu tháng kể từ ngày kết thúc khóa đào tạo, sở và doanh nghiệp tiến hành thanh lý hợp đồng, quyết toán kinh phí. Vấn đề là, nếu có dưới 90% số học viên sau khi tốt nghiệp được đi làm việc ở nước ngoài thì doanh nghiệp chỉ được thanh toán học phí theo số lao động thực tế xuất cảnh. Có thể thấy, chính hình thức hỗ trợ như trên khiến các doanh nghiệp chưa yên tâm và mặn mà với việc đưa người nghèo đi làm việc ở nước ngoài.
Theo nhandan.org.vn