Ngày 21/5, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và Cơ quan phát triển nguồn nhân lực – HRD Hàn Quốc đã phối hợp tổ chức Hội nghị trao đổi và hợp tác phát triển kỹ năng nghề Hội nghị nhằm tiếp tục đẩy mạnh hợp tác song phương giữa Việt Nam – Hàn Quốc nói chung và hợp tác quốc tế giữa Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và Cơ quan phát triển nguồn nhân lực – HRD Hàn Quốc về phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp
Phát triển hệ thống kỹ năng nghề Quốc gia (KNNQG) thông qua chương trình hợp tác với Hàn Quốc là một dự án hiệu quả đang được triển khai.
Giai đoạn 2011 – 2013, Cơ quan hợp tác quốc tế KOICA- Hàn Quốc đã hỗ trợ cung cấp nền tảng về hệ thống pháp lý, thể chế và nguồn nhân lực cho việc xây dựng hệ thống đánh giá và cấp chứng chỉ KNNQG phù hợp với thị trường lao động Việt Nam. Thiết lập và vận hành cơ quan quản lý, đánh giá KNNQG và Trung tâm đánh giá Kỹ năng nghề. Đề xuất khung Chứng chỉ, hệ thống pháp lý trên cơ sở Khung KNNQG, kế hoạch quản lý tài chính cho hệ thống, phát triển tiêu chuẩn biên soạn đề thi, hướng dẫn thực hiện đánh giá,…Tại hội nghị, hai bên đã chia sẻ kinh nghiệm về tiêu chuẩn hóa và phát triển khung tiêu chuẩn năng lực quốc gia, cũng như phát triển hệ thống đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia (KNNQG) cho người lao động. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đồng thời trao đổi những thành công của thí sinh Hàn Quốc tại Kỳ thi tay nghề Thế giới. Tập trung rà soát các nội dung hợp tác và cùng thảo luận, trao đổi để tiếp tục thúc đẩy các chương trình hợp tác trong thời gian tới.
Trong đó, tiếp tục hỗ trợ Việt Nam tăng cường hệ thống đánh giá, cấp chứng chỉ KNNQG; Hỗ trợ áp dụng tin học hóa trong việc quản lý và điều hành hệ thống đánh giá, cấp chứng chỉ KNNQG; Tăng cường năng lực của đoàn Việt Nam tham dự kỳ thi tay nghề thế giới lần thứ 45 tại Kazan, Nga và tháng 8/2019.
Ông Kim Unduck, Giám đốc Cơ quan phát triển nguồn nhân lực - HRD Hàn Quốc chia sẻ kinh nghiệm Hàn Quốc trong xây dựng đánh giá KNNQG
Theo ông Nguyễn Chí Trường, Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề, Tổng Cục GDNN, để chuẩn bị cho nguồn lao động linh hoạt đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, ngoài việc đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN, ngay từ cuối năm 2000 Tổng cục dạy nghề đã tham mưu cho Bộ LĐ-TB&XH ban hành khung trình độ KNNQG và hình thành hệ thống đánh giá cấp chứng chỉ KNNQG trên cơ sở qui định tại Luật Dạy nghề 2005 và nay là qui định tại Luật Việc làm 2013, đồng thời đẩy mạnh hội nhập quốc tế về GDNN bằng việc đưa lao động trẻ VN tham gia các kỳ thi tay nghề ASEAN và thế giới chính thức đánh dấu bản đồ lao động trẻ có kỹ năng VN trên bản đồ khu vực và thế giới.
Việc này đã khẳng định chúng ta đã có những chính sách phát triển nguồn lao động đúng đắn đáp ứng thị trường lao động trong nước cũng như quốc tế. Tuy nhiên, cũng theo ông Nguyễn Chí Trường, những bước đi của chúng ta còn chậm, chưa bắt kịp với tình hình phát triển nhanh chóng của thị trường lao động. Đến nay chúng ta mới phát triển được 191 bộ Tiêu chuẩn kỹ năng nghê, 43 trung tâm đánh giá KNNQG và đánh giá, cấp chứng chỉ KNGQG cho gần 50.000 lao động, một con số rất khiêm tốn với nhu cầu của thị trường gồm 56 triệu lao động trong cả nước. Tại đấu trường thế giới, VN mới chỉ giành được 2 HCĐ tại các Kỳ thi tay nghề thế giới vào năm 2015 và 2017. Kết quả này là rất khiêm tốn so với các nước phát triển....
TS Nguyễn Chí Trường, Vụ trưởng vụ KNN thông tin về hệ thống đánh giá KNNQG của VN
Hợp tác phát triển nguồn nhân lực giữa Việt Nam và Hàn Quốc, ông Kim Unduck, Giám đốc Cơ quan phát triển nguồn nhân lực - HRD Hàn Quốc chia sẻ: Hàn Quốc đã có những thành công cùng với bề dày kinh nghiệm được đúc kết trong việc phát triển nguồn nhân lực quốc gia, vì vậy chúng tôi hoàn toàn tự tin về hệ thống đánh giá phát triển kỹ năng nghề. Chính phủ Hàn Quốc đang cố gắng tăng cường quan hệ với các nước ASEAN, trong đó Việt Nam là đối tác quan trọng nhất để cùng có một tiếng nói chung trong nền kinh tế toàn cầu.
Các đại biểu VN và Hàn Quốc chụp ảnh lưu niệm
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Trương Anh Dũng nhấn mạnh: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ khi nói chuyện với công nhân lao động kỹ thuật cao tại TP Hồ Chí Minh vào đầu tháng 5 mới đây, trong đó đề nghị các Bộ, ngành, doanh nghiệp sớm từ bỏ tư duy tuyển dụng dựa vào bằng cấp, chuyển sang cơ chế tuyển dụng theo kỹ năng, kỹ nghệ. Chúng ta phải tăng cường củng cố khung trình độ KNNQG theo hướng khoa học công nghệ đang phát triển, tương ứng với trình độ lao động khu vực và quốc tế. Phát triển mạnh mẽ việc xây dựng các bộ tiêu chuẩn, đồng thời tăng cường hệ thống đánh giá, công nhận và cấp chứng chỉ KNNQG cho người lao động. Song song với đó, là việc đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hành lang pháp lý và các quy định pháp luật nhằm đẩy nhanh quá trình chuẩn hóa cơ cấu lực lượng lao động, làm cơ sở phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo hướng cung, nâng cao chất lượng đào tạo trong thời gian tới. Phát triển nguồn nhân lực quốc gia, việc học hỏi kinh nghiệm của các nước đã thành công về phát triển kinh tế xã hội nhanh chóng và mạnh mẽ như Hàn Quốc là hết sức cần thiết. Hội nghị có ý nghĩa quan trọng nhằm đưa ra những vấn đề cơ bản để cùng đề xuất những cơ hội mới về hợp tác hỗ trợ phát triển hệ thống đánh giá, cấp chứng chỉ KNNQG, cũng như việc nâng cao chất lượng, thành tích của đoàn Việt Nam tham dự các kỳ thi tay nghề ASEAN và thế giới.
Nguồn: baomoi.com
Duyên Nguyễn st