Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ là đòn bẩy để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) có những đột phá trong đào tạo nghề, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho Hà Nội và cả nước.
Hà Nội tập trung đầu tư các ngành, nghề trọng điểm
Hà Nội là trung tâm văn hóa – chính trị của cả nước, nơi tập trung nhu cầu nguồn nhân lực lớn đa dạng, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Với 199 cơ sở GDNN, trong đó có 19 trường cao đẳng, trung cấp công lập thuộc TP là hệ thống chủ đạo để tạo ra nguồn nhân lực chất lượng, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao tham gia vào thị trường lao động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ mang lại giá trị GDP của cả TP và đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Giờ thực hành nghề Công nghệ ô tô của sinh viên Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội.
Trong những năm qua, thực hiện Luật Thủ đô, TP Hà Nội luôn quan tâm đầu tư đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo để nâng cao năng lực hoạt động, chất lượng đào tạo. Đặc biệt, Hà Nội tập trung đầu tư vào các ngành, nghề trọng điểm. Toàn TP hiện có 16 trường trung cấp, trường cao đẳng công lập được lựa chọn 29 nghề trọng điểm; trong đó có 14 nghề cấp độ quốc tế, 11 nghề cấp độ Asean, 14 nghề cấp độ quốc gia.
Thông tin về kết quả ban đầu đạt được của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) được đầu tư trong giai đoạn vừa qua, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Cao đẳng Công nghiệp Hà Nội Trần Thanh Bình cho hay: Hoạt động GDNN tại các trường đã và đang đổi mới khá mạnh mẽ, đồng bộ, góp phần phát triển hệ thống GDNN của TP cả về quy mô cũng như chất lượng, từng bước đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động, cách mạng công nghệ 4.0 và hội nhập quốc tế.
Những điều kiện bảo đảm chất lượng của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được cải thiện, từng bước chuẩn hóa, hiện đại hóa.
Các điều kiện bảo đảm chất lượng (chương trình đào tạo, nhà giáo, cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo) được cải thiện, từng bước chuẩn hóa, hiện đại hóa, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của đối mới đào tạo nghề. Chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề được DN, xã hội và người học đánh giá cao; kỹ năng nghề nghiệp của học viên sau khi tốt nghiệp đã được thị trường lao động chấp nhận và đánh giá mức độ đáp ứng tốt. Trên 80% người học tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm ngay sau khi tốt nghiệp; ở một số nghề và một số trường, có tới gần 100% người học có việc làm khi mới ra trường.
Hoạt động liên kết chặt chẽ giữa nhà nước, nhà trường, DN và người học trong tổ chức tuyển sinh, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp đạt hiệu quả cao.
Nguồn: nld.com.vn