Nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp là xu hướng tất yếu để đáp ứng nhu cầu lao động của doanh nghiệp và hội nhập quốc tế; góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực.
Sau 10 năm thực hiện Luật Giáo dục nghề nghiệp (2014-2024), chất lượng giáo dục nghề nghiệp ở Thanh Hóa không ngừng được nâng lên, cơ bản đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất trên địa bàn và từng bước hội nhập quốc tế.
Ông Hoàng Ngọc Trung, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hóa, cho biết Thanh Hóa có 66 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 11 trường cao đẳng; 15 trường trung cấp; 7 trung tâm giáo dục nghề nghiệp; 24 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên công lập cấp huyện và 9 cơ sở khác có hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
Toàn tỉnh có 9 cơ sở giáo dục nghề nghiệp được phê duyệt đầu tư nghề trọng điểm giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025 với 15 ngành nghề trọng điểm ở 3 cấp độ: Quốc tế 1 nghề; khu vực Đông Nam Á – ASEAN 3 nghề và quốc gia 11 nghề.
Cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được quan tâm đầu tư, nâng cấp, chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên từng bước được nâng lên.
Giai đoạn 2014-2018, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh đã tuyển sinh đào tạo 355.276 người, trong đó, trình độ cao đẳng 6.439 người, trung cấp 25.764 người, sơ cấp 165.368 người và đào tạo nghề dưới 3 tháng 157.705 người.
Đại diện lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH Thanh Hóa cũng cho biết, công tác đào tạo nghề đã góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động của nền kinh tế theo hướng tích cực, giảm tỷ trọng lĩnh vực nông, lâm, thủy sản từ 45% năm 2016 xuống còn 40% năm 2018; lĩnh vực công nghiệp và xây dựng tăng từ 29% năm 2016 lên 32% năm 2018; lĩnh vực dịch vụ tăng từ 26% năm 2016 lên 28% năm 2018.
"Giai đoạn từ 2020 đến tháng 6/2024, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các doanh nghiệp trong tỉnh tuyển sinh đào tạo, kèm cặp truyền nghề khoảng 452.000 người, trong đó trình độ cao đẳng 16.004 người, trình độ trung cấp 46.074 người, sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng 389.367 người.
Tỷ lệ ra trường có việc làm sau 6 tháng đạt bình quân 90%, có những nghề đạt 100% như: nghề Hàn; nghề May thời trang; nghề Điện công nghiệp... đã góp phần đưa tỷ lệ qua đào tạo lên 73% năm 2023 và dự kiến hoàn thành chỉ tiêu tuyển sinh năm 2024 đạt 83.038 người, đưa tỷ lệ qua đào tạo đạt 74%...", ông Trung thông tin.
Hoạt động liên kết đào tạo, hợp tác quốc tế để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao được đẩy mạnh, có nhiều chuyển biến. Một số giáo viên, giảng viên dạy các nghề trọng điểm quốc gia, quốc tế được tỉnh Thanh Hóa cử đi đào tạo ngắn hạn tại nước ngoài đã góp phần nâng cao trình độ dạy học cho học sinh, sinh viên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh.
Một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp khác có sự gắn kết chặt chẽ với các doanh nghiệp đã giúp người lao động được doanh nghiệp tuyển dụng và đưa đi học tập, bồi dưỡng, đi thực tập sinh tại nước ngoài như Nhật Bản, Mỹ, Đức, Hungary...từng bước đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế...
Trường Cao đẳng Công nghiệp Thanh Hóa, Cao đẳng Y tế Thanh Hóa đã tổ chức đào tạo nghề cho hơn 100 người của nước bạn Lào, qua đó giúp bạn Lào nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực y tế và công nghiệp trên cơ sở thỏa thuận hợp tác giữa tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Hủa Phăn (CHDCND Lào) giai đoạn 2021-2025…
Đứng top đầu trong công tác đào tào nghề và đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 trở thành một trong những trường cao đẳng chất lượng cao trong cả nước, ông Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghiệp Thanh Hóa, cho biết xu thế của nhà trường trong đào tạo nghề là chủ động tìm kiếm và mở rộng mối quan hệ hợp tác mới với nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Bên cạnh đó, nhà trường cũng tổ chức nghiên cứu ở nhiều quốc gia để gia tăng mức độ quốc tế hóa và đa dạng các nội dung hợp tác; tập trung nguồn lực và khai thác các lợi thế cạnh tranh để xây dựng và triển khai các chương trình hợp tác quốc tế; tiếp tục phát huy hiệu quả từ chương trình tình nguyện viên quốc tế, sự hỗ trợ của đại sứ quán các nước, trường cao đẳng, đại học của các nước bạn trong công tác hợp tác quốc tế;
Tăng cường giao lưu giảng viên, sinh viên với các đối tác chiến lược của trường; chủ động đàm phán xây dựng chương trình hợp tác quốc tế song phương, nghị định thư hợp tác quốc tế để phía đối tác quốc tế hỗ trợ đào tạo cán bộ, học sinh, sinh viên và chuyển giao công nghệ tiên tiến.
Ngoài ra nhà trường còn cử giảng viên tham gia các hoạt động bồi dưỡng giáo viên từ các chương trình, tổ chức quốc tế; tham gia hội thảo quốc tế tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở các quốc gia có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới nhằm nâng cao năng lực ngoại ngữ và trình độ chuyên môn, để theo kịp xu thế vận động của giáo dục nghề nghiệp quốc tế…
Nguồn: baodansinh.vn