Ngày 22/8, tại TPHCM, Trường Cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama2 đã tổ chức Lễ ký hợp đồng lao động chính thức giữa công ty WWW Wärmeverwertung (Cộng hòa Liên bang Đức) với 4 sinh viên của trường.
Trường Lilama2 được Chính phủ CHLB Đức và Việt Nam lựa chọn đầu tư để trở thành Trung tâm đào tạo nghề chất lượng cao đầu tiên ở Việt Nam cho 4 nghề đào tạo theo chuẩn của CHLB Đức gồm: Nghề Hàn công nghệ cao, Cơ khí xây dựng; Cắt gọt kim loại CNC; Cơ điện tử; Điện tử công nghiệp.
Nhà trường đã đào tạo thí điểm 4 chương trình trên từ năm 2016, có nhiều doanh nghiệp của Đức tham gia phối hợp với nhà trường để triển khai theo mô hình đào tạo nghề kép của Đức.
Đến nay, Trường Lilama2 đã khẳng định được chất lượng đào tạo, không những đáp ứng nhân lực thị trường lao động trong nước mà còn đạt chuẩn đào tạo nghề của Đức.
Từ năm 2021, Tổ chức GIZ của Đức đã đặt hàng cho trường đào tạo 50 sinh viên nghề Cắt gọt kim loại CNC và lựa chọn được 12 sinh viên (đạt chuẩn tay nghề và nói được tiếng Đức) sang Đức làm việc.
Gần đây, tập đoàn cung cấp nhân lực Quốc tế Hoffmann đã đặt hàng tuyển chọn sinh viên nghề hàn theo yêu cầu của công ty WWV Wärmeverwertung Deutschland.
Trường Lilama2 đã mời tổ chức độc lập đánh giá kỹ năng tay nghề thợ hàn theo tiêu chuẩn quốc tế đối với 4 sinh viên.
Đại diện doanh nghiệp WWV Wärmeverwertung đã đến Việt Nam, trực tiếp giám sát, tổ chức đánh giá lại kỹ năng của 4 sinh viên trên và rất hài lòng với tay nghề của họ, quyết định tiến tới ký hợp đồng lao động chính thức vào ngày hôm nay.
Theo ông Thomas Schlegtendal, đại diện Hoffmann, Đức đang đối mặt với vấn nạn dân số già đi và thiếu lao động, đó là cơ hội cho các bạn trẻ Việt Nam sang Đức làm việc và sinh sống.
Ông hy vọng sinh viên Trường Lilama2 sẽ là những người tiên phong sang Đức làm việc tốt, sống tốt với tư cách là lao động kỹ thuật, có tay nghề, làm hình mẫu cho những làn sóng lao động mới tại Đức.
Đại diện công ty WWW Wärmeverwertung khẳng định họ sang Việt Nam tuyển dụng lao động cũng có yêu cầu của mình, đó là tìm kiếm lao động có tay nghề đáp ứng nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp. Đến nay, họ đã đạt được mục đích.
"Các bạn sinh viên cũng vậy, các bạn sang Đức làm việc cũng có mục tiêu, yêu cầu của mình. Hợp tác này cho các bạn cơ hội, cũng là cho chúng tôi cơ hội. Các bạn là nền móng cho những doanh nghiệp Đức như chúng tôi đặt niềm tin vào Lilama2", vị này chia sẻ.
Ông Nguyễn Khánh Cường, Hiệu trưởng Trường Lilama2, cho biết: "Chúng tôi đưa ra định hướng đào tạo lao động kỹ thuật đạt chuẩn tay nghề quốc tế và đưa sang Đức làm việc từ rất sớm. Để làm được điều đó, chúng tôi đã mất 10 năm".
Do đó, ông Nguyễn Khánh Cường nhắc nhở 4 sinh viên sang Đức đợt này cố gắng làm tốt công việc của mình, chú trọng đến tác phong công nghiệp khi làm việc tại công ty.
Ông nói: "Các bạn là người tiên phong, phải thể hiện được hình ảnh thanh niên, lao động Việt Nam nói chung, sinh viên Lilama2 nói riêng để khẳng định mình".
Phát biểu tại buổi lễ, ông Phạm Anh Thắng, Phó Chánh văn phòng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, chúc mừng thành công bước đầu trong liên kết đào tạo với các đối tác Đức của Trường Lilama2.
Ông đánh giá cao chương trình đào tạo, đưa lao động đi làm việc tại Đức của Trường Lilama2. Ông mong muốn trong thời gian tới, chương trình này sẽ được mở rộng hơn về quy mô ngành nghề và số lượng lao động đưa đi.
Bên cạnh đó, ông Phạm Anh Thắng cũng lưu ý các bạn học viên về việc tuân thủ pháp luật, kỷ luật lao động trong thời gian làm việc tại Đức.
"Các bạn đi làm việc ở Đức là mang theo hình ảnh đại diện cho thế hệ lao động mới của Việt Nam, có kỹ năng tay nghề cao, được đào tạo bài bản. Do vậy, cần phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc an toàn lao động, chấp hành nghiêm các quy định pháp luật, phải không ngừng học tập nâng cao kỹ năng tay nghề và ngoại ngữ để trước hết là bảo vệ được chính mình trong quan hệ lao động", ông Thắng nhấn mạnh.
Ông Phạm Anh Thắng cũng bày tỏ mong muốn trong thời gian tới, các chương trình hợp tác của các đối tác Đức với Trường Lilama2 sẽ phát triển mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn, nhất là việc chuyển giao kiến thức, công nghệ mới trong đào tạo các ngành nghề kỹ thuật cao.
Nguồn: nld.com.vn