Bà Vũ Thị Thanh liễu, Phó Giám đốc Trung tâm DVVL Hà Nội đề xuất ý kiến dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), trong đó cần sửa đổi Điều 106 của Luật để hỗ trợ tốt hơn cho người lao động đăng ký học nghề.
Chiều 19/9, tại Hà Nội diễn ra Hội nghị lấy ý kiến dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) dưới sự chủ trì của ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam.
Hội nghị nhằm mục đích đóng góp ý kiến để hoàn thiện dự thảo Luật Việc làm, bảo vệ quyền lợi và tạo cơ hội việc làm tốt hơn cho người lao động, đặc biệt là các đối tượng yếu thế. Bên cạnh đó, hội nghị cũng tập trung vào việc nâng cao kỹ năng nghề nghiệp và cải thiện thu nhập cho người lao động.
Ông Ngọ Duy Hiểu khẳng định, trong bối cảnh phát triển của nền kinh tế số, xã hội số và toàn cầu hóa, các hình thức việc làm ngày càng đa dạng. Tuy nhiên, Luật Việc làm hiện hành đã phát sinh một số hạn chế, nếu không kịp thời khắc phục sẽ cản trở sự phát triển và làm giảm cơ hội việc làm bình đẳng, tốt hơn cho người lao động.
"Luật Việc làm là hành lang pháp lý, là công cụ giúp mỗi người dân có việc làm tốt hơn. Việc nâng cao thu nhập và cải thiện điều kiện làm việc không chỉ mang lại lợi ích cho người lao động mà còn thúc đẩy sự phát triển của cả đất nước", ông Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh.
Tại hội nghị, nhiều ý kiến đóng góp quan trọng từ đại biểu đã được nêu lên. Ông Nguyễn Đình Đạo, Phó Trưởng phòng Việc làm - An toàn lao động thuộc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội đề xuất, dự thảo Luật Việc làm cần quy định rõ hơn về các chương trình vay vốn giải quyết việc làm.
Ông Đạo chia sẻ: "Việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi với lãi suất thấp là rất cần thiết để giúp người lao động thu nhập thấp ổn định cuộc sống và phát triển kinh tế".
Năm qua, Hà Nội đã ủy thác gần 9.000 tỷ đồng qua Ngân hàng Chính sách xã hội để hỗ trợ người lao động có thu nhập thấp tiếp cận các khoản vay này.
Bà Vũ Thị Thanh Liễu, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) Hà Nội nhấn mạnh, việc xử lý hồ sơ trợ cấp thất nghiệp qua cổng dịch vụ công quốc gia đã giảm thiểu áp lực lên hệ thống hành chính. Bà cũng đề xuất mở rộng việc chấp nhận hồ sơ trực tuyến nhằm phù hợp với xu hướng chuyển đổi số.
"Đặc biệt, cần sửa đổi Điều 106 của Luật để hỗ trợ tốt hơn cho người lao động đăng ký học nghề, bao gồm cả chi phí đi lại và ăn trưa cho lao động từ các khu vực ngoại thành", bà Liễu đề xuất.
Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) lần này không chỉ tập trung vào việc giải quyết các bất cập hiện tại mà còn đặt mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống cho người lao động thông qua việc hỗ trợ tìm kiếm việc làm, nâng cao tay nghề và mở rộng các chính sách an sinh xã hội.
Theo bà Nguyễn Thị Quyên, Phó Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xa hội), dự thảo Luật sẽ tiếp tục được hoàn thiện với mục tiêu tối ưu hóa chính sách bảo hiểm thất nghiệp, việc làm... đảm bảo quyền lợi cho người lao động trong mọi tình huống.
Nguồn: nld.com.vn