Cùng với các thị trường cho thu nhập cao như Nhật Bản và Đài Loan, Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu lao động (XKLĐ) trọng điểm của Nghệ An với số lượng hiện tại là hơn 13.000 người.
Hàng nghìn lao động Nghệ An đang làm việc tại Hàn Quốc
“Đặc biệt, những năm gần đây khi Chính phủ Hàn Quốc đang có những động thái cải thiện môi trường làm việc, tăng chế độ đãi ngộ, đã thu hút nhiều người lao động muốn đến xứ sở Kim Chi để làm việc.
Nghệ An là địa phương đứng đầu cả nước về số lượng người lao động đi làm việc theo hợp đồng có thời hạn tại Hàn Quốc (EPS), với số lượng hiện tại là hơn 13.000 người”, Giám đốc sở LĐ,TB&XH Nghệ An Đoàn Hồng Vũ thông tin.
Những năm qua, Nghệ An đã luôn nỗ lực trong công tác thông tin tuyên truyền về chương trình EPS, phối hợp triển khai các bước liên quan trong quy trình thực hiện EPS; tuyên truyền vận động người lao động về nước đúng thời hạn.
Bình quân hằng năm có từ 800 - 1.500 lao động của tỉnh Nghệ An được các doanh nghiệp Hàn Quốc lựa chọn, nhận sang làm việc với mức tiền lương từ 1.500 - 2.000 USD/người.
Năm 2024, Nghệ An đã tiếp nhận hơn 6.260 hồ sơ đăng ký thi tiếng Hàn trong năm 2024, tăng cao so với các năm. Lao động đã đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS năm 2023: 1.656 người, năm 2024 hơn 1.300 người;
Số lao động đăng ký trong năm 2023 đã triển khai tiếp nhận 4.815 lao động đăng ký dự thi các ngành Sản xuất chế tạo, Xây dựng, Nông nghiệp, Ngư nghiệp và Đóng tàu, tăng hơn so với năm 2022 là 2.348 lao động và là tỉnh có số lao động tham gia đứng thứ 2 cả nước. Năm 2024 có 6.261 người.
Chi phí đi Hàn Quốc theo diện EPS là diện ưu đãi, thấp, với mức khoảng 630 USD (tương đương khoảng trên 15 triệu đồng) trong khi thu nhập hằng tháng khá cao thế nên thị trường lao động Hàn Quốc luôn được nhiều người lựa chọn.
Theo ông Trần Phi Hùng, Trưởng phòng Lao động - Việc làm - An toàn lao động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nghệ An, hiện ngành LĐ-TB&XH cùng các địa phương tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động các gia đình có con em lao động cư trú bất hợp pháp ở Hàn Quốc về nước. Hết năm 2023, Nghệ An không còn địa phương nào nằm trong danh sách bị Chính phủ Hàn Quốc tạm dừng tuyển chọn lao động theo chương trình EPS.
Đối với kỳ thi tiếng Hàn trong đợt 1 năm 2024, Sở LĐ-TB&XH đã đề nghị các huyện, thành, thị, Trung tâm Dịch vụ việc làm Nghệ An tuyên truyền về những trường hợp không được thi tuyển.
Tăng cường công tác tuyên truyền
Ông Trần Phi Hùng chia sẻ thêm: “Thời gian qua, tỉnh Nghệ An đã tăng cường thông tin tuyên truyền về EPS trên các cơ quan thông tấn báo chí, trên mạng xã hội, trên loa phóng thanh của các địa phương và tuyên truyền trực tiếp qua các hội nghị tại các huyện, thành, thị.
Qua đó, để người dân hiểu rõ hơn về chương trình EPS và vận động người thân, người lao động tuân thủ quy định hợp đồng lao động, không cư trú bất hợp pháp”.
"Riêng đầu năm 2024, trong đợi đăng ký thi đi Hàn Quốc làm việc, hàng nghìn lao động đã đến xếp hàng từ 1-2h sáng, 70% cán bộ, nhân viên của Trung tâm Dịch vụ việc làm Nghệ An đã được huy động để đáp ứng nhu cầu đăng ký tăng đột biến của người lao động.
Trong các ngày tiếp nhận đăng ký, anh em đều phải làm việc đến tận đêm, thậm chí có hôm đến gần 24h để giải quyết hết hồ sơ đăng ký của người lao động. Số lượng người đăng ký dự thi tiếng Hàn Quốc tại Nghệ An đầu năm 2024 tăng đột biến so với 5 năm trở lại đây”, ông Hùng chia sẻ.
Theo ông Hùng, để hỗ trợ lao động Trung tâm Dịch vụ việc làm Nghệ An đã đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp và tìm việc làm của người lao động trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Trên bảng tin tại trung tâm và các văn phòng đại diện tại các huyện, thị xã, trang fanpage, nhóm thông tin tuyển dụng Nghệ An để người lao động và doanh nghiệp có nhiều cơ hội gặp gỡ phỏng vấn và tuyển dụng một cách kịp thời.
Ngoài ra, Trung tâm cũng thường xuyên tổ chức tập huấn, trao đổi nhằm nâng cao trình độ, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, những người tham gia tổ chức các phiên giao dịch việc làm và trực tiếp tư vấn cho lao động.
Nguồn: nld.com.vn