Trong tổng số 2.654 hộ nghèo tại huyện Nam Giang (tỷ lệ 35,58%), có 25,09% hộ thiếu hụt chỉ số về việc làm, tương đương hơn 6.650 hộ.
Theo kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo tại tỉnh Quảng Nam cuối năm 2023, trong tổng số 2.654 hộ nghèo tại huyện Nam Giang (tỷ lệ 35,58%), có 25,09% hộ thiếu hụt chỉ số về việc làm, tương đương hơn 6.650 hộ có người trong độ tuổi lao động thiếu việc làm ổn định. Năm 2024, tỉnh Quảng Nam giao huyện giảm ít nhất 360 hộ nghèo.
Nam Giang là một trong 6 huyện nghèo theo tiêu chí đa chiều của tỉnh Quảng Nam, có 80% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, đời sống gặp nhiều khó khăn. Chăm lo chiều thiếu hụt về việc làm, tạo sinh kế bền vững, góp phần giảm nghèo, năm qua huyện đã đào tạo cho 291 lao động, trong đó đào tạo nghề nề 34 lao động và đào tạo nghề trồng chuối và chăn nuôi cung cấp lao động cho một doanh nghiệp là 117 lao động.
Nhiều địa phương trong huyện xác định con đường đi xuất khẩu lao động không chỉ tạo ra nguồn thu nhập ổn định cho cá nhân, gia đình, góp phần giảm nghèo cho chính hộ đó, không những thế còn đóng góp vào thành quả giảm nghèo và hoạt động an sinh xã hội chung của địa phương.
Theo thống kê của Phòng LĐ-TB&XH huyện Nam Giang, từ năm 2022 đến nay, toàn huyện có khoảng 200 thanh niên đi lao động hợp đồng tại các nước Hàn Quốc, Ả Rập Xê Út... với mức thu nhập ổn định, giúp cuộc sống người dân được nâng lên rõ nét, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 35,58%.
Tại xã La Dêê, từ năm 2023 đến nay, trên trên địa bàn xã có 27 người đi xuất khẩu lao động, trong số đó có 5 hộ đăng ký thoát nghèo bền vững.
Tại xã Tà Bhing, gia đình bà Zơ Râm Bưu, trú thôn ALiêng, vốn thuộc diện hộ đặc biệt khó khăn, các con không có việc làm ổn định. Từ khi sang Lào làm việc, con trai bà thu nhập khoảng 15 triệu đồng mỗi tháng, tích cóp gửi tiền về. Số tiền này giúp gia đình bà Bưu làm nhà, chi phí sinh hoạt và đầu tư sinh kế khác là chăn nuôi bò, lợn. Gia đình này thoát cảnh khó khăn đa chiều nhờ xuất khẩu lao động.
Cũng ở xã Tà Bhing, gia đình ông Zơ Râm Đớt, dân tộc Cơ tu, thuộc diện hộ nghèo. Cảnh đau ốm khiến ông bà không thể có khả năng lao động bình thường. Từ khi con trai cả đi lao động ở Lào, hàng tháng gửi tiền về, ông bà vừa có chỗ dựa chăm lo sức khoẻ, thuốc thang, lại có điều kiện chủ động làm nhà mới.
Tại huyện Nam Giang hiện có khoảng 15.000 người trong độ tuổi lao động. Gần đây, địa phương này phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp đưa 200 lao động qua làm việc tại các nước Lào, Hàn Quốc có thu nhập ổn định. Nhiều lao động qua Lào làm việc tại các nông trường, được trả lương từ 12 đến 17 triệu đồng người/tháng, cao hơn nhiều so với thu nhập bình quân đầu người tại huyện. Điều này giúp cuộc sống của các hộ dân, đặc biệt các hộ nghèo, từng bước cải thiện.
Đầu tháng 3, tại xã Đắc Pre, huyện Nam Giang tổ chức tập huấn nâng cao năng lực và lễ xuất quân đưa lao động đi làm việc tại nông trường thuộc một doanh nghệp tại Lào đợt 1 năm 2024. 6 tháng đầu năm 2024, huyện Nam Giang đưa 39 lao động đi qua Lào. Mục tiêu, hàng năm phải đưa trên dưới 100 lao động sang thị trường Lào và tạo thu nhập ổn định cho người dân.
Tháng 7, huyện Nam Giang tổ chức Sàn tư vấn giới thiệu việc làm, định hướng thị trường xuất khẩu lao động cho 170 thanh niên người thiểu số tại xã Tà Pơ và Cà Dy. Tại đây, các doanh nghiệp đã tư vấn, giới thiệu việc làm phù hợp với trình độ, năng lực của các lao động người địa phương và thông tin về nhu cầu tuyển dụng lao động đi làm việc trong và ngoài nước (Lào, Singapore, Nga). Sàn tư vấn nhằm giúp cho người lao động định hướng học nghề phù hợp, tìm việc làm nhanh chóng, qua đó, đảm bảo được nguồn thu nhập ổn định để nhanh chóng thoát nghèo.
Năm 2024 huyện Nam Giang sẽ tổ chức 12 sàn tư vấn giới thiệu việc làm cho người lao động tại các địa phương, phấn đấu có hơn 1.000 lao động được tư vấn việc làm.
Cũng với mục tiêu đào tạo nghề - giải quyết việc làm, giai đoạn 2019 - 2024, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Nam Giang đã đào tạo, phối hợp đào tạo cho 1.381 lao động người dân tộc thiểu số với các lớp nghề trình độ dưới 3 tháng, trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng.
Ngành nghề đào tạo chủ yếu là may công nghiệp, trang điểm, chế biến thức ăn, đan lát mây tre, nề hoàn thiện, trồng chuối, chăn nuôi gia súc... với tổng kinh phí đào tạo hơn 3,5 tỷ đồng. Kết quả, 268 lao động được giới thiệu đi làm tại các công ty, doanh nghiệp may mặc trên địa bàn tỉnh; 155 lao động đi làm việc tại Lào; 958 lao động tự tạo việc làm tại địa phương hoặc đi làm ở các địa phương khác.
Nguồn: nld.com.vn