Huyện Đông Giang (Quảng Nam) chú trọng đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm bền vững là phương thức giảm nghèo hiệu quả, lâu dài.
Bước sang năm 2024, toàn huyện Đông Giang (Quảng Nam) có 2.878 hộ nghèo, tương ứng 37,46%, trong đó tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm 96,94%, xếp thứ 4 trong tổng 6 huyện nghèo của tỉnh. Năm nay, toàn huyện sẽ tập trung phấn đấu giảm 474 hộ nghèo để đưa tỉ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm xuống còn 30,79%, tương ứng 2.365 hộ.
Theo điều tra của địa phương, trong các nguyên nhân nghèo của các hộ tại Đông Giang, số hộ khó khăn không có đất sản xuất là 652 hộ; 634 hộ không có vốn sản xuất, kinh doanh; 1.002 hộ không có kỹ năng lao động, sản xuất... Bên cạnh đó, theo kết quả rà soát mức độ các chỉ số thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản, 932 hộ nghèo ở Đông Giang thiếu hụt việc làm, 1.099 hộ thiếu hụt về dinh dưỡng, 1.218 hộ thiếu hụt về chất lượng nhà ở...
Thực hiện công tác giảm nghèo bền vững, 5 năm gần đây, huyện Đông Giang tích cực đa dạng hóa nguồn vốn huy động, tăng cường bố trí ngân sách Nhà nước để triển khai 7 dự án thành phần thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững.
Trong đó, huyện xây dựng cơ sở hạ tầng 17 công trình; tham gia 3 chuỗi liên kết gồm heo đen địa phương, hươu sao và trồng quế. Huyện nghèo Đông Giang cũng đào tạo nghề cho 70 học viên, xuất khẩu lao động 46 người và hỗ trợ xóa nhà tạm cho 129 hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện.
Người dân nghèo ở Đông Giang được các cấp, các ngành, tổ chức hội, đoàn thể quan tâm, hỗ trợ sinh kế, hướng dẫn cập nhật kỹ thuật nuôi, trồng, giúp nhau vươn lên trong phát triển kinh tế hộ gia đình.
Đơn cử, với Hội Nông dân, đầu năm 2024, chung tay giảm nghèo bền vững, các cấp hội Nông dân trong huyện đăng ký giúp 7 hộ nông dân thoát nghèo. Những hộ này được hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn vay từ tín dụng chính sách xã hội; cho vay vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân. Họ còn được tập huấn về khoa học, kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi; hỗ trợ cây, con giống, trao sinh kế; giúp ngày công lao động...
Chú trọng đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm bền vững là phương thức giảm nghèo hiệu quả, lâu dài, Hội Nông dân phối hợp mở 8 lớp dạy nghề cho 240 nông dân tại các xã Mà Cooih, Tà Lu, Sông Kôn và A Ting; tập huấn quy trình làm phân hữu cơ vi sinh bón cho cây trồng tại xã A Ting. Cùng đó, Hội phối hợp với các ngành chức năng xét chọn và cấp phát 10 máy cày, 45 máy cắt cỏ, 40 máy cắt chuối cho 96 hộ nông dân nghèo...
Cùng mục tiêu đào tạo nghề để giúp người dân tự lực vươn lên, cuối tháng 7, Phòng LĐ-TB&XH huyện Đông Giang phối hợp Trung tâm Dạy nghề thanh niên Quảng Nam khai giảng 2 lớp nghề nề hoàn thiện cho 70 thanh niên có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn 2 xã Arooi và Mà Cooih. Mỗi lớp 35 học viên, sẽ tham gia học trong thời gian 3 tháng.
Các học viên được đào tạo kiến thức, kỹ năng, về kết cấu kỹ thuật như kỹ thuật làm móng, láng nền, kỹ thuật ốp, lát gạch hoa thông thường, pha chế vôi, sơn và hoàn thiện bề mặt công trình. Đồng thời, họ cũng được hướng dẫn cách phòng tránh tai nạn trong quá trình làm việc, tổ chức sản xuất an toàn và vệ sinh môi trường...
Lớp học là cơ hội để giúp thanh niên nghèo, có hoàn cảnh khó khăn được học, cấp chứng chỉ, từ đó mở ra nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm, thu nhập ổn định. Tổng cộng từ năm 2022 đến nay, có gần 400 thanh niên của 15 lớp đào tạo nghề có việc làm ổn định. Các lớp đều do Phòng LĐ-TB&XH huyện Đông Giang phối hợp Trung tâm Dạy nghề thanh niên Quảng Nam tổ chức.
Đầu tháng 8, UBND huyện Đông Giang phối hợp Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Nam tổ chức sàn giao dịch việc làm năm 2024. Hơn 600 đoàn viên thanh niên và người lao động, trong đó có nhiều người thuộc diện hộ nghèo, được tư vấn, cung cấp thông tin tuyển dụng, chính sách hỗ trợ... để tìm kiếm việc làm phù hợp. Năm 2024, huyện Đông Giang phấn đấu đưa 45 người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (xuất khẩu lao động).
Trong 9 tháng đầu năm 2024, UBND huyện Đông Giang đã trích nguồn vốn ngân sách huyện chuyển sang Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để cho vay giải quyết việc làm với số tiền 700 triệu đồng; nâng tổng nguồn vốn ngân sách huyện chuyển sang là hơn 3,6 tỷ đồng nhằm cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm.
Doanh số cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đông Giang trong 9 tháng đầu năm là hơn 76,6 tỷ đồng với 1.215 lượt khách hàng vay, chủ yếu theo chương trình hộ cận nghèo, mới thoát nghèo, hộ sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn, cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm...
Nguồn: nld.com.vn