Chuyên gia về phát triển bền vững nhận định, con người là trung tâm trong khía cạnh "xã hội" của doanh nghiệp. Tuân thủ quy định, chăm lo người lao động là việc làm vì lợi ích của chính doanh nghiệp
Công bố thông tin về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) đang trở thành xu hướng toàn cầu cũng như tại Việt Nam. Trước sự quan tâm ngày càng cao của các nhà đầu tư đến các chỉ số phát triển bền vững khi ra quyết định đầu tư, nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam đã chủ động tiếp cận, áp dụng các tiêu chuẩn này để nâng cao vị thế và tính cạnh tranh.
Nhằm cung cấp cái nhìn rõ nét hơn về khía cạnh xã hội - chữ "S" (Social) trong ESG, hướng đến phát triển bền vững, PV Dân trí có cuộc trao đổi, thảo luận với Nguyễn Việt Long, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam (EY Việt Nam) về vấn đề này.
Thực hành chữ "S" mang đến nhiều lợi ích doanh nghiệp
Là đại diện đến từ một trong những đơn vị tư vấn hàng đầu thế giới cho các hoạt động của doanh nghiệp, ông nhận định thế nào về những quy chuẩn tác động trực tiếp đến định hướng phát triển nguồn nhân lực bền vững hiện nay?
- Dựa trên kinh nghiệm tư vấn doanh nghiệp và quá trình nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy các xu hướng toàn cầu đang tác động mạnh mẽ đến nguồn nhân lực. Đầu tiên, cuộc cách mạng công nghệ số, đặc biệt là công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), yêu cầu người lao động liên tục nâng cao kỹ năng của mình để đáp ứng sự thay đổi.
Thứ hai, xu hướng phát triển xanh tạo ra nhu cầu về các kiến thức và kỹ năng mới mà người lao động cần cập nhật để đáp ứng yêu cầu về bền vững.
Thứ ba, trong bối cảnh doanh nghiệp toàn cầu, năng suất lao động ngày càng được coi là yếu tố chính đóng góp vào hiệu quả kinh doanh.
Với các xu hướng này, tầm nhìn dài hạn của doanh nghiệp không chỉ dừng ở câu hỏi "What" - người lao động cần làm gì, mà còn chú trọng đến "How" - làm như thế nào. Điều này không chỉ đòi hỏi kết quả công việc mà còn yêu cầu năng lực hành vi - yếu tố chiếm khoảng 20% trong tiêu chí đánh giá.
Theo nghiên cứu do EY phối hợp với Trường Kinh doanh Saïd của Đại học Oxford công bố năm 2024 mang tên Transformation leadership: Navigating turning points (tạm dịch: Dẫn dắt chuyển đổi: Điều hướng bước ngoặt), năng lực hành vi của người lao động là yếu tố quan trọng trong chuyển đổi hướng đến phát triển bền vững của tổ chức.
Tại Việt Nam, các doanh nghiệp cũng dần chú trọng đến xu hướng này trong bối cảnh thay đổi về công nghệ, địa chính trị, và hội nhập kinh tế. Họ đang hướng đến chữ "How" và năng lực hành vi như là một phần thiết yếu của nguồn nhân lực bền vững.
Trong khung năng lực KSA (Knowledge - Kiến thức; Skills - Kỹ năng; Attitude - Thái độ), yếu tố "thái độ" đề cập đến tư duy, quan điểm và cảm xúc mà một cá nhân mang đến công việc và các tương tác trong môi trường làm việc. Nó bao gồm một loạt các thuộc tính như động lực, cam kết, đạo đức làm việc, tính tích cực, khả năng thích ứng và kỹ năng giao tiếp.
Thái độ tích cực của nhân viên góp phần vào mức độ gắn kết và hài lòng trong công việc cao hơn. Nhân viên có động lực và nhiệt tình với công việc của mình có khả năng làm việc hiệu quả và cam kết với vai trò của họ hơn. Thái độ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra một môi trường làm việc hài hòa, hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau.
Trong môi trường kinh doanh thay đổi nhanh chóng như hiện nay, khả năng thích ứng với các tình huống và thách thức mới là rất quan trọng. Nhân viên có thái độ tích cực thường linh hoạt và cởi mở với sự thay đổi, giúp họ trở thành tài sản quý giá trong thời kỳ chuyển đổi hoặc không chắc chắn.
Thái độ tích cực cũng là yếu tố then chốt trong các vai trò liên quan đến dịch vụ khách hàng hoặc tương tác với khách hàng, truyền cảm hứng, nâng cao tinh thần làm việc, khả năng giải quyết vấn đề.
Các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ người lao động phát triển năng lực này. Tương tự, trong môi trường giáo dục, các tổ chức cũng đang tích cực trang bị cho sinh viên những kỹ năng hành vi cần thiết. Trên thị trường lao động, các doanh nghiệp đang đầu tư vào chương trình đào tạo nội bộ để nâng cao năng lực của người lao động trong các nhà máy.
Nguồn: nld.com.vn