UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 69/2024/QĐ-UBND phê duyệt mức hỗ trợ đối với từng nhóm đối tượng đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng với mức từ 2 - 6 triệu đồng/người.
Ngoài ra, người lao động còn được hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại trong thời gian tham gia khóa đào tạo nghề.
Theo đó, mức 6 triệu đồng/người/khoá học hỗ trợ cho người khuyết tật được xác định theo quy định tại Điều 15, Điều 18 Luật Người khuyết tật; mức 4 triệu đồng/người/khoá học đối với người thuộc hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo.
Trường hợp người dân tộc thiểu số, người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi NCC với cách mạng theo quy định của Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, lao động nữ bị mất việc làm, mức hỗ trợ là 3 triệu đồng/người/khoá học.
Đối với người thuộc hộ cận nghèo, mức hỗ trợ là 2,5 triệu đồng/người/khoá học. Người học là phụ nữ, lao động nông thôn không thuộc các đối tượng nêu trên, được hỗ trợ 2 triệu đồng/người/khoá học. Chính sách hỗ trợ tại Quyết định này không áp dụng cho người lao động bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh.
Mức hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại cho đối tượng được thực hiện theo quy định tại điểm b, c khoản 2 Điều 7 Thông tư số 152/2016/TT-BTC ngày 17/10/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng.
Theo đó, mức hỗ trợ tiền ăn là 30.000 đồng/người/ngày thực học. Mức hỗ trợ tiền đi lại là 200.000 đồng/người/khóa học nếu địa điểm đào tạo ở xa nơi cư trú từ 15km trở lên.
Riêng đối với người khuyết tật và người học cư trú ở xã, thôn, bản thuộc vùng khó khăn, hoặc đặc biệt khó khăn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, mức hỗ trợ tiền đi lại là 300.000 đồng/người/khóa học nếu địa điểm đào tạo ở xa nơi cư trú từ 5km trở lên.
UBND TP Hà Nội nêu rõ, mỗi người chỉ được hỗ trợ đào tạo một lần theo chính sách quy định tại Quyết định này. Những người đã được hỗ trợ đào tạo theo các chính sách hiện hành khác của Nhà nước thì không được hỗ trợ đào tạo theo chính sách quy định tại Quyết định này.
Người học đồng thời thuộc các đối tượng đã nêu trên thì chỉ được hưởng một mức hỗ trợ chi phí đào tạo cao nhất.
Riêng những người đã được hỗ trợ đào tạo nhưng bị mất việc làm do nguyên nhân khách quan, thì UBND cấp xã xem xét, quyết định tiếp tục hỗ trợ đào tạo để chuyển đổi việc làm theo chính sách quy định tại Quyết định này, nhưng tối đa không quá 3 lần.
Trường hợp mức chi phí đào tạo thực tế thấp hơn mức hỗ trợ chi phí đào tạo được quy định, thì được hỗ trợ bằng mức chi phí đào tạo thực tế. Nguồn kinh phí thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước đảm bảo theo phân cấp.
UBND TP Hà Nội giao Sở LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức triển khai, hướng dẫn việc thực hiện chính sách đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng trên địa bàn thành phố theo quy định hiện hành. Đồng thời, kiểm tra, giám sát việc tổ chức đào tạo nghề trình độ 3 sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng trên địa bàn thành phố.
UBND các quận, huyện, thị xã được giao tổ chức triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho người lao động trên địa bàn, đảm bảo hiệu quả đào tạo và theo đúng quy định hiện hành.
Quy định có hiệu lực thi hành từ ngày 19/12.
Văn Lý
Báo Lao động và Xã hội số 151
Nguồn: nld.com.vn