Tiền lương của người lao động nước ngoài tại Hàn Quốc đang tăng lên. Lượng lao động kiếm được hơn 3 triệu won/tháng đến nay đã tăng gấp đôi so với năm 2020.
Theo Cục Thống kê Hàn Quốc, số lượng người lao động nước ngoài tại Hàn Quốc sở hữu thị thực lao động không chuyên nghiệp (E-9) lần đầu tiên vượt mốc 300.000 người.
Lao động Việt xếp hàng dài chờ xin visa sang Hàn Quốc làm việc (Ảnh: Nguyễn Vy).
Thị thực E-9 được triển khai nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động trong sản xuất, nông nghiệp, thủy sản và một số ngành dịch vụ ở nước này. Sản xuất và dịch vụ là ngành chiếm tỷ trọng lao động lớn nhất (80,5%), tiếp theo đó là nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản (14,4%) và xây dựng (3%).
Đáng chú ý, gần 40% người lao động thuộc nhóm này có mức lương hằng tháng ít nhất là 3 triệu won (hơn 52,2 triệu đồng), chỉ thấp hơn một chút so với thu nhập trung bình của người lao động Hàn Quốc (3,63 triệu won vào năm 2023). Con số này tăng vọt so với năm 2020 (16,4%).
Khoảng 51% người lao động nước ngoài được nhận mức lương 2-3 triệu won/tháng (tương đương 34-52 triệu đồng).
Dữ liệu cũng cho thấy sự khác biệt rõ rệt trong phân bổ thị thực về giới tính. Tỷ lệ nam giới có thị thực E-9 là 90,9%, thị thực chuyên nghiệp là 71,8% và thị thực lao động thăm thân là 57,3%. Trong khi đó, phụ nữ chiếm tỷ lệ cao trong việc sở hữu thị thực kết hôn (79,6%) và thị thực du học (53,3%).
Mới đây, Trung tâm Lao động ngoài nước, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Nội vụ vừa thông báo tổ chức kỳ thi tiếng Hàn tuyển chọn lao động làm việc tại Hàn Quốc đợt 1 năm 2025 theo chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (chương trình EPS).
3.300 lao động được chọn trong đợt 1 sẽ làm việc trong ngành sản xuất chế tạo và nông nghiệp tại Hàn Quốc. Trong đó, ngành sản xuất chế tạo cần 3.000 người, ngành nông nghiệp 300 người.
Năm 2024, gần 45.000 lao động đã tham gia kỳ thi tiếng Hàn để cạnh tranh 15.400 suất sang Hàn Quốc làm việc. Theo Trung tâm Lao động ngoài nước, đây là số lượng thí sinh dự thi đông kỷ lục trong 20 năm triển khai chương trình EPS.
Tính đến tháng 7/2024, số lượng lao động Việt Nam tại Hàn Quốc hiện nay khoảng 120.000, trong đó khoảng 50% đi theo chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (chương trình EPS).
Trở về đúng hạn có cơ hội tái xuất cảnh Hàn Quốc
Từng sang Hàn Quốc làm thời vụ tại các nông trại trồng hành, táo, ông Nguyễn Văn Phúc (45 tuổi, quê tại tỉnh Kiên Giang) mới đến Trung tâm lao động ngoài nước để tìm cơ hội sang Hàn Quốc làm việc lần thứ 2. Đợt trước, sau khi hết 8 tháng làm việc theo thời hạn visa, ông Phúc quay về nước và ngay lập tức chuẩn bị hồ sơ để đi tiếp.
Từng sang Hàn làm nông, kiếm thu nhập cao, nhiều lao động Việt quyết định quay trở lại làm việc lần nữa (Ảnh: Nguyễn Vy).
Nam lao động bộc bạch, nhờ cơ hội làm thời vụ ở Hàn Quốc, cuộc sống gia đình từ cảnh khó khăn, thiếu thốn nay đủ đầy hơn. Hằng tháng, thu nhập từ công việc này có thể lên đến 50 triệu đồng.
"Việc làm nông nặng nhọc, yêu cầu người lao động phải chịu khó, có sức khỏe tốt và chăm chỉ. Chủ nông trại còn thưởng thêm 10.000 won/ngày (khoảng 174.000 đồng) cho ai hoàn thành tốt nhiệm vụ", ông Phúc kể.
Ông Phúc chỉ tốn chi phí thuê nhà trọ, bởi việc ăn uống có chủ nông trại và em dâu hỗ trợ. Sau khi trừ các khoản chi, ông đều đặn gửi hết thu nhập về để vợ chăm sóc ba mẹ và lo việc học cho 3 người con.
Thời gian đầu mới sang Hàn, ông Phúc chưa quen với khí hậu, ngôn ngữ và văn hóa. Nam lao động may mắn được chủ nông trại và đồng hương hướng dẫn tận tình, hỗ trợ hoàn thành công việc.