Lần đầu tiên, cơ quan quản lý nhà nước đề xuất cho phép dùng Quỹ bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ tiền mặt cho người lao động trong khủng hoảng kinh tế, không cần chờ đến khi họ thất nghiệp.
Nội dung trên được quy định tại khoản 2 Điều 32 của dự thảo. Theo đó, trong trường hợp xảy ra khủng hoảng kinh tế, thiên tai, dịch bệnh hoặc tình huống bất khả kháng ảnh hưởng nghiêm trọng đến người lao động, Chính phủ có thể quyết định sử dụng Quỹ bảo hiểm thất nghiệp để chi tiền hỗ trợ trực tiếp hoặc hỗ trợ bằng các hình thức khác.
Việc chi trả này không cần chờ người lao động rơi vào tình trạng thất nghiệp như quy định hiện hành. Hình thức hỗ trợ, đối tượng thụ hưởng và mức chi sẽ do Chính phủ quy định cụ thể tùy theo từng tình huống.
Nội dung này được đánh giá là bước thay đổi căn bản trong tư duy xây dựng chính sách an sinh. Thay vì chờ người lao động mất việc rồi mới can thiệp, dự thảo hướng đến việc "đỡ ngay khi sắp ngã".
Trước đó, năm 2021, thời điểm Covid-19, hàng chục triệu lao động bị cắt giảm giờ làm hoặc phải nghỉ luân phiên nhưng chưa đủ điều kiện nhận trợ cấp thất nghiệp. Sau đó, Chính phủ phải ban hành các nghị quyết đặc biệt để chi hàng chục nghìn tỷ đồng từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp dưới dạng hỗ trợ tiền mặt. Tuy nhiên, việc này không nằm trong khung luật và phải "đặc cách". Dự thảo lần này tìm cách đưa tinh thần đặc cách đó thành chính sách thường xuyên.
Ngoài điểm mới về chi tiền sớm trong khủng hoảng, dự thảo Luật Việc làm sửa đổi còn mở rộng chức năng của Quỹ bảo hiểm thất nghiệp theo hướng chủ động hơn. Người lao động được hỗ trợ học nghề, nâng cao kỹ năng hoặc đánh giá, cấp chứng chỉ nghề quốc gia trong thời gian chưa tìm được việc mới. Doanh nghiệp gặp khó khăn cũng có thể được hỗ trợ một phần chi phí đào tạo lại người lao động, nhằm giữ chân thay vì phải sa thải.
Bên cạnh mở rộng phạm vi chi trả, dự thảo cũng quy định rõ cơ chế kiểm soát Quỹ. Theo Điều 45, Quỹ bảo hiểm thất nghiệp sẽ được hạch toán độc lập, không đưa vào ngân sách nhà nước và phải chịu kiểm toán định kỳ ba năm một lần. Việc công khai thông tin quản lý, sử dụng Quỹ cũng được nhấn mạnh nhằm tránh thất thoát, sử dụng sai mục đích.
Tính đến hết năm 2024, Quỹ bảo hiểm thất nghiệp có kết dư khoảng 64.300 tỷ đồng, cả nước có hơn 16 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, chiếm khoảng 34% lực lượng lao động trong độ tuổi.
Nguồn: nld.com.vn