Người lao động ra nước ngoài định cư hay làm việc theo hợp đồng thuộc trường hợp bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp
Sau 2 tháng hưởng, chị Thủy ra nước ngoài định cư nên mang vé máy bay đến thông báo với Trung tâm dịch vụ việc làm với mong muốn được giải quyết hưởng một lần cho những tháng chưa hưởng còn lại.
Nhưng chị khá bất ngờ khi được nơi đây thông báo trường hợp của mình sẽ bị chấm dứt hưởng TCTN, đồng thời không được bảo lưu thời gian đóng BHTN chưa hưởng.
Tương tự, sau khi tham gia BHTN được 10 năm 8 tháng, tháng 11-2024 chị Phạm Thị Bích Ngọc (quận Gò Vấp, TP HCM) nghỉ việc để theo chồng ra nước ngoài. Chồng chị Ngọc đi du học 4 năm, Visa của chị là diện phụ thuộc, không được phát sinh thu nhập ở nước ngoài. Sau khi nghỉ việc và tìm hiểu quy định về BHTN chị Ngọc mới hay nếu ra nước ngoài định cư, người lao động (NLĐ) sẽ không được hưởng TCTN.
Bản thân chị Ngọc không thuộc trường hợp đi định cư hay ra nước ngoài làm việc, chỉ là diện phụ thuộc đi theo chồng, luật không quy định. Chị Ngọc băn khoăn nếu không được hưởng TCTN thì quá thiệt thòi, nhưng nếu được hưởng thì chị cũng không thể đáp ứng được yêu cầu đi khai báo về việc tìm kiếm việc làm hằng tháng. Khi đó, chị cũng sẽ lọt vào trường hợp bị chấm dứt hưởng TCTN.
Theo Luật sư Trần Hữu Tín, Trưởng Văn phòng Luật sư Tín và Cộng sự, Điều 49 Luật Việc làm năm 2013 quy định NLĐ đang đóng BHTN được hưởng TCTN khi có đủ các điều kiện: Chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ), hợp đồng làm việc (trừ các trường hợp NLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ, hợp đồng làm việc trái pháp luật; Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng); Đã đóng BHTN từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt HĐLĐ, hợp đồng làm việc xác định hoặc không xác định thời hạn hay từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng;
Đã nộp hồ sơ hưởng TCTN tại Trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định; Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng BHTN (trừ các trường hợp: Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên; Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù; Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng; Chết).
Mặt khác, theo quy định tại Điều 53 Luật Việc làm, trường hợp người đang hưởng TCTN ra nước ngoài để định cư, đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng sẽ bị chấm dứt hưởng. NLĐ trong trường hợp này cũng không thuộc diện được bảo lưu thời gian đóng BHTN làm căn cứ để tính thời gian hưởng TCTN cho lần tiếp theo khi đủ điều kiện quy định.
Căn cứ các quy định trên, NLĐ (có đóng BHTN) ra nước ngoài định cư hay làm việc không vi phạm điều kiện hưởng TCTN của Luật Việc làm, song lại rơi vào quy định về các trường hợp bị chấm dứt hưởng (nếu đang hưởng).
Mặt khác, NLĐ ra nước ngoài cũng không thuộc trường hợp được loại trừ về việc phải trực tiếp thông báo với Trung tâm dịch vụ việc làm (nơi đang hưởng TCTN) về việc tìm kiếm việc làm, cũng không được ủy quyền cho người khác thực hiện thay. Dẫn đến NLĐ có thể mất trắng hoặc được hưởng chưa đầy đủ quyền lợi của người tham gia BHTN.
Từ thực tế trên và mong mỏi của NLĐ, ông Tín đề xuất khi sửa đổi Luật Việc làm cần xem xét đến trường hợp này để đảm bảo tính hợp lý. Theo đó có thể chi trả TCTN một lần tương tự như chế độ BHXH một lần hoặc tính toán mức hưởng hợp lý, tương ứng thời gian đóng của NLĐ để đảm bảo nguyên tắc của BHTN là mức hưởng được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng; Việc thực hiện BHTN phải bảo đảm kịp thời và đầy đủ quyền lợi của người tham gia.
Nguồn: nld.com.vn