Luật Việc làm sửa đổi rút thời gian chờ trợ cấp xuống 10 ngày, thêm hỗ trợ đào tạo kỹ năng, linh hoạt mức đóng và thủ tục gọn hơn, nâng quyền lợi cho người lao động tham gia BHTN.
Luật
Việc làm (sửa đổi) được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 16/6, sẽ có hiệu lực từ 1/1/2026. Nội dung được nhấn mạnh trong lần sửa này là điều chỉnh chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) nhằm mở rộng diện bao phủ và tăng quyền lợi của người lao động.
Luật mới mở rộng diện bao phủ bảo hiểm thất nghiệp, tăng quyền lợi cho người lao động (Ảnh: Nguyễn Hằng).
Mục tiêu 45% lao động tham gia BHTN
Trước hết, phạm vi tham gia BHTN được mở rộng để đáp ứng mục tiêu đến năm 2030 có 45% lực lượng lao động được bảo vệ. Ngoài lao động ký hợp đồng không xác định thời hạn và từ ba tháng trở lên như hiện nay, luật bổ sung ba nhóm mới.
Thứ nhất, người làm việc theo hợp đồng từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng.
Thứ hai, lao động không trọn thời gian có mức lương tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu.
Thứ ba, những trường hợp thỏa thuận "bằng tên gọi khác" nhưng thực chất có việc làm trả công và chịu sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên.
Luật cũng giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định bổ sung các nhóm "có việc làm, thu nhập ổn định, thường xuyên" khác theo đề xuất của Chính phủ, phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội từng thời kỳ.
Mức đóng BHTN rõ ràng, cụ thể, linh hoạt
Luật Việc làm (sửa đổi) nêu rõ: người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho nhân viên; nếu chấm dứt hợp đồng mà còn nợ tiền quỹ, họ phải thanh toán trực tiếp cho người lao động khoản tương ứng các chế độ sẽ được hưởng. Hành vi chậm hoặc trốn đóng tiếp tục bị xử lý theo Luật Bảo hiểm xã hội 2024.
Mức đóng BHTN được ấn định tối đa 1% quỹ tiền lương nhưng không "đóng cứng". Chính phủ được phép hạ tỷ lệ này để ứng phó thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế hoặc khi quỹ kết dư cao, nhằm giữ chính sách linh hoạt và giảm gánh nặng cho doanh nghiệp.
Riêng các đơn vị tuyển mới và sử dụng lao động là người khuyết tật, phần đóng thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động có thể được giảm trong thời gian tối đa 12 tháng, tạo động lực mở rộng cơ hội việc làm cho nhóm lao động yếu thế.
Hành vi chậm hoặc trốn đóng tiếp tục bị xử lý theo Luật Bảo hiểm xã hội 2024 (Ảnh: HL).