Để phát triển bền vững, doanh nghiệp cần ứng dụng công nghệ và dữ liệu người tìm việc để tối ưu quy trình tuyển dụng và nâng cao trải nghiệm của người lao động
Sáng 3-7, Báo Người Lao Động tổ chức Talkshow chuyên đề "Kênh tuyển dụng hiệu quả, nhanh chóng cho các doanh nghiệp (DN) sản xuất có nhu cầu tuyển số lượng lớn", với sự phối hợp của nền tảng Việc Làm Tốt và Ban Quản lý các KCX-CN TP HCM. Các khách mời đã chia sẻ nhiều thông tin, xu hướng mới trong tuyển dụng hiện đại, nhất là giải bài toán tuyển lao động quy mô lớn trong thời gian ngắn.
Nhu cầu tuyển dụng gia tăng
Dù đứng trước những cơ hội lớn nhờ kinh tế đang phục hồi và chính sách hỗ trợ từ nhà nước song bài toán tuyển dụng vẫn là thách thức lớn đối với nhiều DN. Trong khi đó, DN phải vừa tăng quy mô vừa cải thiện chất lượng nguồn nhân lực trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt.
Các đại biểu và khách mời trao đổi tại talkshow “Kênh tuyển dụng hiệu quả, nhanh chóng cho các doanh nghiệp sản xuất có nhu cầu tuyển số lượng lớn”.Ảnh: TẤN THẠNH
Theo báo cáo mới nhất từ nền tảng tuyển dụng Việc Làm Tốt, thị trường lao động Việt Nam đang chứng kiến đà tăng trưởng mạnh mẽ. Nhu cầu tuyển dụng trên cả nước trong nửa đầu năm 2025 tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Thế nhưng, sự tăng trưởng này không phân bố đồng đều mà tập trung chủ yếu tại Trung Bộ và Nam Bộ, đặc biệt là TP HCM và các tỉnh lân cận.
Cụ thể, TP HCM ghi nhận mức tăng nhu cầu tuyển dụng đến 34%, trong khi các tỉnh giáp ranh đạt 28%. Ba lĩnh vực dẫn đầu về tốc độ tăng nhu cầu tuyển dụng gồm: bán lẻ, nhà hàng - khách sạn và sản xuất. Ngành bán lẻ tăng mạnh tuyển dụng dù thương mại điện tử phát triển; nhà hàng - khách sạn phục hồi nhanh sau dịch COVID-19; còn lĩnh vực sản xuất tiếp tục giữ vai trò động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế.
Trong nhóm ngành sản xuất, bức tranh tăng trưởng tuyển dụng nửa đầu năm 2025 thể hiện sự phân hóa rõ rệt. Một số lĩnh vực như sản xuất máy móc, thiết bị cơ khí và dược phẩm tăng mạnh, trong khi các ngành như dệt may, da giày chững lại do ảnh hưởng từ việc thay đổi chính sách thương mại quốc tế.
Theo ông Dương Việt Linh, Giám đốc Kinh doanh Việc Làm Tốt, một số lĩnh vực sản xuất chịu tác động trực tiếp từ chính sách thuế của Mỹ đã ghi nhận sự sụt giảm tuyển dụng trong tháng 4 và 5-2025. Đến giữa năm 2025, nhu cầu tuyển dụng có nhiều dấu hiệu tích cực nhờ nỗ lực đàm phán thuế quan từ Chính phủ Việt Nam.
Trong khi đó, Nghị quyết 68-NQ/TW năm 2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân đã tạo động lực cho khối DN sản xuất. Chủ trương sáp nhập tỉnh, thành cũng mở ra không gian phát triển mới, tối ưu hóa hạ tầng và nguồn lực...
"Nhờ những yếu tố trên, 77% DN được khảo sát cho biết sẽ giữ nguyên hoặc tăng kế hoạch tuyển dụng lao động trong 6 tháng cuối năm 2025. Trong đó, 51% DN dự kiến mở rộng nhà máy, cơ sở sản xuất đến các địa phương mới được sáp nhập để tận dụng nguồn lao động tại chỗ" - ông Linh thông tin.
Lệch pha cung - cầu
Bà Nguyễn Võ Minh Thư, Phó trưởng Ban Quản lý các KCX-CN TP HCM, cho biết dù nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông (LĐPT) ở thành phố rất lớn, nhiều DN vẫn chật vật tìm người do hàng loạt rào cản, cả khách quan lẫn chủ quan.
Trước đây, TP HCM là điểm đến của hàng triệu lao động từ các tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều địa phương lân cận đã phát triển hệ thống KCN, tạo việc làm tại chỗ. Người lao động (NLĐ) không còn nhu cầu đến TP HCM làm việc vì vừa xa nhà vừa chịu chi phí thuê chỗ trọ, sinh hoạt đắt đỏ.
Nhiều NLĐ sau khi tính toán giữa thu nhập và chi phí đã chọn làm việc gần nhà, dù lương thấp nhưng tiết kiệm hơn, ít áp lực. Một bộ phận lao động, nhất là giới trẻ, chuộng nghề tự do như giao hàng, buôn bán online để linh hoạt thời gian, không bị ràng buộc về giờ giấc hay tăng ca. Điều này khiến DN khó tuyển được lao động để làm việc theo ca, tăng ca.
Trong khi DN cần lao động có tay nghề thì phần lớn người tìm việc lại là LĐPT chưa qua đào tạo, dẫn đến lệch pha cung - cầu. LĐPT thường muốn tìm việc nhẹ, gần nhà, lương cao, ít tăng ca, trong khi đặc thù sản xuất lại yêu cầu tăng ca để bảo đảm tiến độ. Sự chênh lệch kỳ vọng này cũng khiến việc tuyển dụng kéo dài.
"Kinh tế phục hồi kéo theo nhu cầu tuyển dụng tăng ở nhiều lĩnh vực, mở ra cơ hội mới cho thị trường lao động. Xu hướng dịch chuyển giữa các ngành nghề giúp tái phân bổ nguồn nhân lực hiệu quả, đáp ứng yêu cầu mới của DN. Đặc biệt, sự phát triển của công nghệ, nhất là trí tuệ nhân tạo (AI) và chuyển đổi số, tạo ra nhiều vị trí việc làm mới, đòi hỏi NLĐ phải có kỹ năng cao và linh hoạt hơn" - bà Thư đánh giá.
Theo ông Trần Thanh Sơn, Trưởng Phòng Hành chính - Nhân sự, Công ty TNHH May mặc Song Ngọc, tình trạng NLĐ thất nghiệp nhiều nhưng DN lại khó tuyển dụng vẫn đang tiếp diễn. Khi cân nhắc đến TP HCM làm việc, NLĐ thường so sánh thiệt hơn so với ở địa phương.
Mặt khác, nhiều NLĐ sau khi nghỉ việc đã đi làm tự do nhưng không ký hợp đồng lao động để đủ điều kiện nhận bảo hiểm thất nghiệp hoặc rút BHXH một lần. Họ không thất nghiệp thực sự nhưng cũng không tham gia thị trường lao động chính thức. "Nghe tin một DN giảm cả ngàn lao động, chúng tôi đến tuyển thì không có người. Họ đã chuyển việc tự do, không muốn dịch chuyển nơi ở hoặc ngại ràng buộc" - ông Sơn nêu thực trạng.
Những yếu tố then chốt
Ông Nguyễn Thành Tài, Giám đốc Nhân sự - Công ty CP Nhựa Đại Đồng Tiến, cho rằng những năm gần đây, cả NLĐ lẫn bộ phận nhân sự đều phải "vừa chèo thuyền vừa tập bơi" khi liên tục đối mặt các biến động như dịch COVID-19, đứt gãy chuỗi cung ứng, thay đổi chính sách BHXH...
Nguồn: dantri.com.vn