Tại Hội nghị, Ông Lê Quang Trung – Phó Cục trưởng Cục Việc làm đã tổng kết: Sau gần 4 năm triển khai thực hiện dự án “ Thúc đẩy và xây dựng bảo hiểm thất nghiệp và dịch vụ việc làm trong ASEAN “ nhìn chung đã đạt được những kết quả tích cực, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp tăng, đến tháng 9 / 2012 đã có 8,1 triệu người với tổng số thu bảo hiểm thất nghiệp là 7.044 tỷ đồng; việc giải quyết thất nghiệp đảm bảo theo phương châm 3 đúng : đúng đối tượng, đúng chế độ, đúng thời hạn. Đến hết năm 2012, số người đăng ký thất nghiệp là 1.007.640 lượt người, số người thất nghiệp đã giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp là 869.115 người trong đó, số người được tư vấn, giới thiệu việc làm là 87.896 người và số người được hỗ trợ học nghề tăng nhanh từ 270 người năm 2010 đến năm 2012 là4776 người. Tuy nhiên, so với số lượng người thất nghiệp được hỗ trợ học nghề thì chưa cao, do nhiều nguyên nhân cả về phía người lao động và người sử dụng lao động và mức hỗ trợ học nghề.
Qua khảo sát tình hình thực hiện hỗ trợ dạy nghề đối với người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp tính đến tháng 9/2012 có 3969 người đang hưởng Trợ cấp thất nghiệp được hỗ trợ học nghề chiếm 0.52% tổng số lượt được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Riêng 4 địa phương Hà Nội, Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, số người được hỗ trợ học nghề là 1962 người chiếm 49,43% so với cả nước. Có thể nhận thấy, số người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp ( TCTN ) được hỗ trợ học nghề trên toàn quốc tăng đáng kể qua từng năm, cả số tuyệt đối và tương đối. Đây là nỗ lực đáng ghi nhận của các Trung tâm giới thiệu việc làm. Cũng theo khảo sát vừa qua, lao động nam có xu hướng học nghề để chuyển đổi nghề nghiệp còn lao động nữ có xu hướng học nghề để tự tạo việc làm. Bên cạnh đó chi phí học nghề không phải mối quan tâm lớn nhất của người đang hưởng TCTN nếu thực sự muốn học nghề để chuyển đổi công việc thì cũng sãn sàng đóng bù phần học phí còn thiếu.
Có thể xác định xu hướng nhu cầu của người chưa học nghề là phần đông người đang hưởng TCTN không có nhu cầu học nghề, một số người lao động mong muốn được học nghề nhưng chưa xác định được nghề muốn học. Phần đông người lao động mong muốn được học nghề với mục đích chuyển đổi nghề nghiệp. Như vậy, rất ít người đang hưởng TCTN xó mong muốn được hỗ trợ học nghề. Tuy nhiên, đối với người có ý định học nghề và đang học nghề mong muốn học nghề để chuyển đổi công việc.
Trong báo cáo tham luận về mức hỗ trợ nghề cho lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp trên địa bàn Hà Nội của Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội, cho thấy qua 3 năm thực hiện, chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã thực sự trở thành biện pháp hỗ trợ cho người lao động trong nền kinh tế thị trường, tạo điều kiện cho thị trường lao động phát triển bền vững, được cả người lao động và người sử dụng lao động đón nhận một cách tích cực là khẳng định đay là một trong những chính sách sớm đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, vẫn còn có nhiều điểm chưa phù hợp: nhiều lao động cho rằng, sau khi học nghề chỉ được chứng nhận bằng nghề sơ cấp,với chứng chỉ này, nếu xin được việc mới thì mức thu nhập chênh lệch quá ít so với lao động phổ thông. Mặt khác, các cơ sở đào tạo cho rằng, kinh phí hỗ trợ học nghề 300.000 đồng/ người/ tháng là thấp so với chi phí đào tạo. Khi số lượng học viên ít, không đủ để mở lớp học, phải chờ đủ số lượng thì người đăng ký học nghề đã tìm được việc làm. Ngoài ra thời gian tối đa học nghề là 6 tháng cũng khó đào tạo những nghề chất lượng cao. Với các lớp đào tạo với trình độ sơ cấp người lao động chưa đủ khả năng để nâng cao kỹ năng làm việc… Trong năm2013, TTGTVL Hà Nội sẽ đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, phổ biến chính sách bảo hiểm thất nghiệp tới các doanh nghiệp và người lao động, đẩy mạnh tư vấn việc làm, học nghề, giới thiệu việc làm và dạy nghề cho lao động đang hưởng TCTN dưới nhiều hình thức, tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sau cho đội ngũ cán bộ.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã nêu lên những ý kiến đóng góp, khó khăn, thực trạng hiện nay tại cơ sở nhằm hoàn thiện chương trình hoạt động trong thời gian tới.
TTQGDB&TTTTLĐ