6 tháng đầu năm, cả nước có khoảng 784.000 người lao động được giải quyết việc làm, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước.
Ngày 17/6, Bộ LĐ-TBXH đã thông tin về tình hình giải quyết việc làm 6 tháng đầu năm.
Ngày 17/6, Bộ LĐ-TBXH đã thông tin về tình hình giải quyết việc làm 6 tháng đầu năm.
Theo đánh giá của Cục Việc làm, tình trạng lao động "nhảy việc" vẫn tiếp tục diễn ra nhưng ít biến động hơn so với năm trước, số lao động thiếu hụt trong các doanh nghiệp dần được cân bằng vào tháng cuối của quý I.
Tại các địa phương có nhu cầu tuyển lao động lớn như Đồng Nai, Bình Dương tỉ lệ lao động quay lại làm việc sau Tết hơn 90%, TPHCM gần 95%.
Nhiều hoạt động đã được triển khai để giúp người lao động tiếp cận với việc làm như: Hướng dẫn thực hiện đồng bộ các chương trình, dự án về phát triển thị trường lao động, cập nhật cơ sở dữ liệu cung, cầu lao động năm 2015, xây dựng phương án điều tra lao động, tiền lương và nhu cầu sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp năm 2015, phân tích dữ liệu cung - cầu lao động để xây dựng các báo cáo chuyên đề về thị trường lao động năm 2015, dự báo ngắn hạn thị trường lao động năm 2016 và dự báo dài hạn thị trường lao động đến năm 2025.
Trong 6 tháng đầu năm, riêng 64 trung tâm dịch vụ việc làm đã tổ chức được trên 500 phiên giao dịch việc làm, ước tính 6 tháng đầu năm có 825 nghìn lượt lao động được tư vấn, giới thiệu việc làm, số người tìm được việc làm qua các trung tâm là 347 nghìn người.
Xuất khẩu lao động đạt khoảng 53 nghìn người, đạt 58,8% kế hoạch, bằng 96,4% so với cùng kỳ năm 2014.
6 tháng đầu năm, Bộ LĐ-TBXH đã đàm phán ký kết và triển khai thực hiện Bản ghi nhớ đặc biệt (MOU) với Hàn Quốc về phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS, hoàn thiện nội dung dự thảo MOU về hợp tác lao động giữa Việt Nam - Thái Lan; Việt Nam - Malaysia, Việt Nam - CH Liên bang Đức, đôn đốc thực hiện các thỏa thuận song phương đã ký với các nước…
Cục Quản lý Lao động ngoài nước cũng hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai các hợp đồng đưa lao động sang làm việc tại Arab Saudi, Quatar… đưa thực tập sinh sang làm việc tại Nhật Bản đối với lao động trong lĩnh vực xây dựng và đóng tàu từ tháng 4/2015, hướng dẫn về nội dung, chương trình đào tạo kỹ năng nghề, ngoại ngữ và bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho lao động giúp việc gia đình sang làm việc tại Đài Loan (Trung Quốc)…
Để thị trường lao động phát triển toàn diện trong 6 tháng cuối năm, theo các chuyên gia cần hoàn thiện mô hình, nâng cao năng lực hoạt động phân tích và dự báo cung - cầu nhân lực toàn diện 3 góc độ: Ngành đào tạo, ngành kinh tế và việc làm (gắn với nghề nghiệp) tạo cơ sở khoa học cho việc định hướng đào tạo theo nhu cầu xã hội, điều chỉnh cơ cấu ngành nghề và các kỹ năng của nhân lực được đào tạo, hạn chế mất cân đối, thừa thiếu trong các doanh nghiệp thuộc các ngành kinh tế, thành phần kinh tế.
Đồng thời, đầu tư phát triển tổ chức chuyên nghiệp để mở rộng và toàn diện quy mô hoạt động hướng nghiệp đối với học sinh các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông trên địa bàn thành phố.
Đặc biệt, cần nghiên cứu hoàn thiện chính sách hỗ trợ, thúc đẩy các hình thức tự tạo việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phân công lại lực lượng lao động; đồng thời đầu tư mở rộng các mô hình sản xuất, phát triển kinh tế để tăng trưởng việc làm tại chỗ và hội nhập.