Sau hơn 5 năm thực hiện, chính sách bảo hiểm thất nghiệp được ví như chiếc “phao cứu sinh” cho người lao động trong tình hình kinh tế xã hội có nhiều biến động như hiện nay. Đáng nói là sau khi có quyết định hưởng lợi từ chính sách này, nhiều lao động đã đến đơn vị chức năng để nhận tiền trợ cấp thất nghiệp mà bỏ qua các hỗ trợ thiết thực khác như hỗ trợ học nghề và giới thiệu việc làm. Nguyên nhân của thực trạng này là gì và người lao động cần lưu ý những gì để có thể hưởng lợi tối ưu từ chính sách này? Bà Ngô Thị Hải Thanh, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Bắc Ninh đã có buổi tham gia chia sẻ, tư vấn cho khán thính giả qua chương trình “Chuyên gia của bạn” phát sóng qua kênh VOV1 Đài tiếng nói Việt Nam.
PV: Thưa bà, sau hơn 5 năm triển khai thực hiện chính sách Bảo hiểm thất nghiệp, đã có bao nhiêu người đăng ký học nghề theo diện được chính sách Bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ?
Bà Ngô Thị Hải Thanh: Sau hơn 5 năm triển khai và thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp thì Trung tâm Dịch vụ Việc làm Bắc Ninh đã tư vấn định hướng hỗ trợ học nghề và có 1.153 người đăng ký học nghề theo diện được chính sách bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ. Riêng 6 tháng đầu năm 2015 là: 203 người đã đăng ký và được hỗ trợ học nghề.
PV: Việc tổ chức thực hiện hỗ trợ học nghề cho người thất nghiệp do cơ quan nào thực hiện, thưa bà? Cụ thể, người lao động có nhu cầu học nghề theo chính sách BHTN phải liên hệ đến đơn vị nào?
Bà Ngô Thị Hải Thanh: Căn cứ Điều 34 khoản 2 Nghị định 28 thì việc tổ chức hỗ trợ học nghề cho người lao động thất nghiệp do Trung tâm Dịch vụ việc làm trực thuộc Sở Lao động TB&XH tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện đồng thời phối hợp với các cơ sở dạy nghề có đủ điều kiện thực hiện dạy nghề cho người lao động thất nghiệp theo quy định;
Người lao động có nhu cầu học nghề theo chính sách Bảo hiểm thất nghiệp phải liên hệ đến Trung tâm Dịch vụ việc làm trực thuộc Sở Lao động TB&XH.
PV: Bà có thể cho biết: Người lao động đóng Bảo hiểm thất nghiệp đầy đủ, khi thất nghiệp nếu có nhu cầu học nghề thì hồ sơ đề nghị hỗ trợ học nghề gồm những giấy tờ gì và người lao động sẽ được hỗ trợ học nghề như thế nào?
Bà Ngô Thị Hải Thanh : 1. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 24 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 03 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp thì hồ sơ đề nghị hỗ trợ học nghề đối với người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp: Đề nghị hỗ trợ học nghề theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định.
2. Theo quy định tại Khoản 2 Điều 24 và Khoản 2 Điều 16 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP của Chính phủ ngày 12 tháng 03 năm 2015 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp thì hồ sơ đề nghị hỗ trợ học nghề đối với người thất nghiệp có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 09 tháng trở lên nhưng không thuộc diện hưởng trợ cấp thất nghiệp bao gồm:
a) Đề nghị hỗ trợ học nghề theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định;
b) Bản chính hoặc bản sao có chứng thực của một trong các giấy tờ sau đây: xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc:
- Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã hết hạn hoặc đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động;
- Quyết định thôi việc;
- Quyết định sa thải;
- Quyết định kỷ luật buộc thôi việc;
- Thông báo hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
Trường hợp người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 43 Luật Việc làm thì giấy tờ xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng là bản chính hoặc bản sao có chứng thực của hợp đồng đó.
c) Sổ bảo hiểm xã hội.
PV: Nếu người lao động có nhu cầu học nghề với mức chi phí cao hơn mức chi phí học nghề theo quy định thì phần vượt quá mức chi phí học nghề này có được Quỹ BHTN hỗ trợ hay không?
Bà Ngô Thị Hải Thanh: - Theo Quyết định số 77/2014/QĐ-TTg Quy định mức hỗ trợ học nghề đối với người lao động đang tham gia Bảo hiểm thất nghiệp tối đa 1 triệu đồng/người/tháng; nhưng không quá 6 tháng.
- Đối với người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp tham gia khóa học nghề có mức chi phí học nghề cao hơn mức hỗ trợ học nghề thì phần vượt quá mức hỗ trợ học nghề do người lao động tự chi trả.
PV: Trường hợp người lao động đã hưởng hết số tháng được hưởng trợ cấp thất nghiệp mà vẫn chưa kết thúc khóa học nghề thì có được tiếp tục hỗ trợ học nghề cho đến khi kết thúc khóa học nghề hay không, thưa bà?
Bà Ngô Thị Hải Thanh: Theo quy định tại Khoản 4 Điều 25 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 03 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp thì trường hợp người lao động đã hưởng hết thời gian được hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định mà vẫn tiếp tục học nghề hoặc chuẩn bị tham gia học nghề theo quyết định của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thì vẫn được hỗ trợ học nghề cho đến hết thời gian học nghề.
PV: Một số người đã tham gia học nghề cho rằng ngành nghề mà họ theo học không đáp ứng được nhu cầu thực của xã hội. Bà nghĩ sao về ý kiến này?
Bà Ngô Thị Hải Thanh: Chúng tôi đã và đang phối hợp với các cơ sở đào tạo nghề theo nhu cầu của người học và theo nhu cầu của các Doanh nghiệp. Trách nhiệm của chúng ta tiếp tục tìm kiếm các khóa học mới đáp ứng nhu cầu của xã hội hiện nay .
PV: Hiên nay có những ngành nghề nào mà trung tâm đang dạy cho những người đang thất nghiệp?
Bà Ngô Thị Hải Thanh: Hiện nay Trung tâm Bắc Ninh đang phối hợp với các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh để tạo điều kiện cho người lao động trên các tỉnh, huyện, xã, thôn học nghề tại huyện và thành phố. Tại trung tâm hiện nay đang đào tạo các khóa học ngoại khóa như ngoại ngữ, tin học. Về ngoại ngữ chúng tôi đang đào tạo tiếng Trung, tiếng Anh, tiếng Hàn, tiếng Nhật để người lao động có thể đi làm việc tại các doanh nghiệp nước ngoài, bổ trợ ngoại ngữ giao tiếp nhằm thuận lợi hơn trong công việc.
PV: Ngoài ngoại ngữ ra thì còn đào tạo các ngành nghề cụ thể nào nữa thưa bà?
Bà Ngô Thị Hải Thanh: Ngoài ngoại ngữ ra chúng tôi còn phối hợp các cở sở đào tạo nghề khác trên địa bàn tỉnh để đào tạo các ngành nghề nói chung như: cơ khí, điện, điện tử, lái xe, kỹ thuật nấu ăn, may, trồng trọt…
PV: Theo quan điểm của bà các ngành nghề đang đào tạo có đáp ứng nhu cầu thực tế chưa?
Bà Ngô Thị Hải Thanh: Hiện nay, các ngành nghề đang đào tạo phối hợp với các cơ sở đào tạo nghề đã phần nào đáp ứng được nhu cầu của người lao động khi thất nghiệp, số lượng người lao động có khóa học từ 3 -6th đã phần nào thích hợp trong thời điểm này.
PV: Một nội dung rất được người lao động quan tâm trong Luật việc làm là “Hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động”. Xin bà cho biết các điều kiện để người sử dụng lao động được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động và mức hỗ trợ như thế nào?
Bà Ngô Thị Hải Thanh: Theo quy định tại Khoản 1 Điều 47 Luật Việc làm và Điều 3 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 03 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp thì người sử dụng lao động được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau:
1. Đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại Khoản 2 Điều 44 Luật Việc làm liên tục từ đủ 12 tháng trở lên tính đến tháng liền trước của tháng đề nghị hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động hoặc đến tháng của ngày đề nghị hỗ trợ kinh phí để đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động nếu người sử dụng lao động đã đóng bảo hiểm thất nghiệp của tháng đó.
2. Gặp khó khăn do suy giảm kinh tế, hoặc vì lý do bất khả kháng buộc phải thay đổi cơ cấu hoặc công nghệ sản xuất, kinh doanh và dẫn đến nguy cơ phải cắt giảm số lao động hiện có từ 30% hoặc từ 50 lao động trở lên đối với người sử dụng lao động có sử dụng từ 300 lao động trở xuống và từ 100 lao động trở lên đối với người sử dụng lao động có sử dụng trên 300 lao động, không kể lao động giao kết hợp đồng lao động với thời hạn dưới 03 tháng.
Những trường hợp được coi là bất khả kháng nêu trên, bao gồm: Hỏa hoạn, lũ lụt, động đất, sóng thần, địch họa, dịch bệnh làm thiệt hại một phần hoặc toàn bộ cơ sở vật chất, thiết bị, máy móc, nhà xưởng theo quy định.
3. Không đủ kinh phí để tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động được xác định thông qua báo cáo sản xuất, kinh doanh của năm trước thời điểm đề nghị hỗ trợ mà bị lỗ có xác nhận của cơ quan thuế.
4. Có phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề và duy trì việc làm được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
PV: Câu hỏi của các bạn Trần Thị Mai-ở Hà Nội, Đồng Hải Anh-ở Quảng Bình, Nguyễn Thị Hà-ở Gia Lai, hỏi: Trong trường hợp doanh nghiệp nợ đóng Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm thất nghiệp nếu người lao động chẳng may bị thất nghiệp đúng thời điểm đó thì sẽ giải quyết ntn? Trong trường hợp này người lao động có được hưởng hỗ trợ học nghề không?
Bà Ngô Thị Hải Thanh : *Trong trường hợp doanh nghiệp nợ đóng Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm thất nghiệp nếu người lao động chẳng may bị thất nghiệp đúng thời điểm đó thì sẽ giải quyết như sau:
- Người lao động được hưởng khi đủ các điều kiện theo quy định tại Điều 49 Luật Việc làm.
1. Chấm dứt Hợp đồng lao động/Hợp đồng làm việc;
2. Đã đóng Bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong vòng 24 tháng và đối với lao động mùa vụ đã đóng Bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong vòng 36 tháng;
3. Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp
4. Chưa tìm được Việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng Bảo hiểm thất nghiệp
( Như vậy trách nhiệm chốt sổ cho người lao động là của Doanh nghiệp với cơ quan Bảo hiểm xã hội )
*Trong trường hợp này người lao động được hưởng hỗ trợ học nghề
Căn cứ Điều 55 Luật việc làm số 38/2013/QH13 ngày 16/11/2013 Điều kiện được hỗ trợ học nghề. Người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hỗ trợ học nghề khi có đủ các điều kiện sau đây:
1. Đủ các điều kiện quy định tại các khoản 1, 3 và 4 Điều 49 của Luật việc làm số 38/2013/QH13 ngày 16/11/2013;
+ Chấm dứt Hợp đồng lao động/Hợp đồng làm việc
+ Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp
+ Chưa tìm được Việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng Bảo hiểm thất nghiệp.
2. Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 09 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật.
Vì vậy người lao động có đủ điều kiện trên thì sẽ được hỗ trợ học nghề theo quy định.
PV: Chương trình nhận được câu hỏi từ bạn Huy như sau: Trong trường hợp người bị đuổi việc vậy có được thanh toán hay rút tiền đã đóng bảo hiểm thất nghiệp không ?
Bà Ngô Thị Hải Thanh: Khi người lao động thất nghiệp, trước tiên phải có chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc và chốt sổ Bảo hiểm xã hội. Khi đến Trung tâm dịch vụ việc làm nơi người lao động như bạn Huy muốn hưởng trợ cấp thất nghiệp tại tỉnh nào đều phải có chấm dứt hợp đồng lao động, sổ bảo hiểm và chứng minh nhân dân để đến đăng ký. Căn cứ vào chấm dứt hợp đồng lao động, sổ bảo hiểm, ban Huy chấm dứt hợp đồng lao động từ thời điểm nào, không vi phạm pháp luật, bạn Huy sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định của pháp luật.
PV: Chị Trần Ánh Nguyệt, ở Khu công nghiệp Hải Dương, hỏi: Chị đang làm công nhân ở công ty liên doanh, vốn nước ngoài. Chị mới vào làm được 10 tháng, công ty đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp cho công nhân. Tuy nhiên, tình hình công ty đang rất khó khăn, nếu công ty phá sản, bị thất nghiệp thì theo quy định chị có được hưởng trợ cấp thất nghiệp không? Có được hỗ trợ học nghề không?
Bà Ngô Thị Hải Thanh: Căn cứ Điều 49 Luật việc làm số 38/2013/QH13 ngày 16/11/2013 về điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, trường hợp của chị nếu công ty chấm dứt hợp đồng lao động vào tháng thứ mười kể từ ngày chị vào làm thì sẽ không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp. Căn cứ Điều 55 Luật việc làm, đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 09 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật. Vậy nếu nghỉ việc từ tháng thứ 10 kể từ ngày vào làm chị sẽ được hưởng hỗ trợ học nghề theo quy định.
PV: Chị Phạm Thanh Thảo ở Hà Nam có hỏi: Tôi mới thất nghiệp và muốn học nghề lái xe có được không? Tôi ở Hà Nam vậy phải làm thủ tục như thế nào?
Bà Ngô Thị Hải Thanh: Mới thất nghiệp muốn học nghề lái xe, theo quy định đã nêu khi chị thất nghiệp đã có chấm dứt hợp đồng lao động, căn cứ vào sổ bảo hiểm xã hội, chị Phạm Thanh Thảo đóng từ đủ 9 tháng trở lên trong vòng 24 tháng sẽ được hưởng hỗ trợ học nghề theo quy định.
PV: Anh Võ Anh Trí ở Quận 12 thành phố Hồ Chí Minh có hỏi: Nếu đóng bảo hiểm thất nghiệp 1 năm mà anh thất nghiệp và anh muốn học nghề công nghệ thông tin thì Bảo hiểm thất nghiệp có tạo điều kiện cho anh không?
Bà Ngô Thị Hải Thanh: Khi anh đã đóng bảo hiểm thất nghiệp 1 năm và đã chấm dứt hợp đồng lao động, với điều kiện từ đủ 12 tháng trở lên trong vòng 24 tháng, anh đã đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, được hưởng hỗ trợ học nghề. Khi người lao động như anh Trí muốn đăng ký học nghề, liên hệ đến Trung tâm dịch vụ việc làm nơi anh có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp, đăng ký viết đơn đề nghị hỗ trợ học nghề.
PV: Anh Đào Huy Thông, ở Phú Thọ gọi điện về chương trình cho biết: Anh làm công nhân lắp ráp điện tử và thất nghiệp 2 tháng nay, anh muốn hỏi, nếu anh đi học nghề theo chương trình hỗ trợ học nghề với người thất nghiệp thì nên học nghề gì để có thể tìm được việc làm ngay? Hiện nay có những nghề gì dành cho nam có thể học được?
Bà Ngô Thị Hải Thanh: Quan trọng là nguyện vọng muốn tìm việc làm, học nghề ở đâu. Nếu anh Thông muốn được hỗ trợ học nghề và tìm việc ở Phú Thọ, có thể liên hệ với Trung tâm dịch vụ việc làm Phú Thọ để được giải quyết. Nếu anh muốn được hưởng hỗ trợ học nghề và tìm việc tại tỉnh Bắc Ninh, có rất nhiều cơ hội lựa chọn. Hiện nay có nhiều nghề phù hợp cho nam giới như lái xe, cơ khí, điện-điện tử v.v… anh có thể liên hệ trực tiếp tới Trung tâm dịch vụ việc làm Bắc Ninh để được tư vấn, giải quyết theo quy định.
PV: Câu hỏi của ông Nguyễn Phút ở Nha Trang: Hiện nay ông có quyết định nghỉ việc từ ngày 30/12/2014 nhưng công ty không chốt sổ bảo hiểm, vậy phải làm thủ tục Bảo hiểm thất nghiệp như thế nào?
Bà Ngô Thị Hải Thanh: Theo quy định từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc phải đăng ký đề nghị hưởng trong vòng 3 tháng, ông Phút đã không đăng ký trong vòng 3 tháng đến nay là tháng 7/2015 như vậy đã quá thời gian đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, ông Phút có thể đi làm ở công ty mới và đóng tiếp sổ bảo hiểm đến lần nghỉ việc của đợt sau ông đủ điều kiện hưởng theo quy định, ông sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp
PV: Tôi được biết hiện nay Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Ninh có Sàn giao dịch vào thứ 7 hàng tuần. Bà có thể cho biết lượng người lao động đến tìm việc cũng như để đăng ký Bảo hiểm thất nghiệp như thế nào không?
Bà Ngô Thị Hải Thanh : Sàn giao dịch việc làm Bắc Ninh được tổ chức vào thứ 7 hàng tuần, người lao động có thể đăng ký trên website để biết thông tin các doanh nghiệp có trên website. Người lao động có thể đến Sàn tuyển dụng gặp gỡ trực tiếp các doanh nghiệp vào sáng thứ 7 hàng tuần. Lượng người lao động đến với Sàn hàng tuần khoảng trên dưới 200
PV: Các doanh nghiệp tham gia có nhiều không thưa bà?
Bà Ngô Thị Hải Thanh: Khoảng từ 15 đến 20 doanh nghiệp tham gia hàng tuần. Lượng người đăng ký thất nghiệp (đối tượng đã chấm dứt hợp đồng lao động) khi đến với Trung tâm điều được đăng ký nguyện vọng và giới thiệu việc làm ngay, 100% số người đăng ký thất nghiệp được tư vấn giới thiệu việc làm.
PV: Con số đó có nhiều không thưa bà ?
Bà Ngô Thị Hải Thanh: Hiện nay có trên 3000 đối tượng trong 6 tháng đầu năm
PV: Trong đó có khoảng bao nhiêu người được hỗ trợ về học nghề thưa bà?
Bà Ngô Thị Hải Thanh: Các đối tượng chấm dứt hợp đồng lao động khi đủ điều kiện được cán bộ Trung tâm tư vấn các nghành nghề; đối tượng đã được tư vấn, đăng ký hiện nay trong 6 tháng đầu năm có 203 người đã có quyết định được hỗ trợ học nghề
PV: Hiện nay, Trung tâm dịch vụ việc làm Bắc Ninh là một trong những đơn vị, tỉnh thành thực hiện tốt phần mềm chính sách Bảo hiểm thất nghiệp. Bà có thể giới thiệu về chương trình thực hiện không?
Bà Ngô Thị Hải Thanh: Trung tâm Bắc Ninh là một trong những tỉnh đi đầu sử dụng thí điểm phần mềm sử dụng chính sách bảo hiểm thất nghiệp, kết quả sử dụng rất tốt. Trong thời gian sử dụng thí điểm Trung tâm đã có các ý kiến xây dựng phần mềm cùng với nhà cung cấp và bên kỹ thuật. Chúng tôi đã có công văn gửi đến Cục việc làm để triển khai sử dụng trên toàn quốc, đến thời điểm này phần mềm đã được sử dụng trên toàn quốc, tạo thuận lợi cho quá trình đăng ký, chuyển hưởng, tìm việc của người lao động.
PV: Câu hỏi của chị Nguyễn Thị Mai ở Bắc Ninh: Nếu chị đang làm việc tại Bắc Ninh, trong quá trình thất nghiệp đang làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp chị chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh, với phần mềm chính sách bảo hiểm thất nghiệp sẽ có thuận tiện như thế nào cho chị trong việc chuyển đổi?
Bà Ngô Thị Hải Thanh: Khi chị Mai đã đăng ký và đề nghị hưởng Bảo hiểm thất nghiệp tại tỉnh Bắc Ninh, tất cả hồ sơ của chị đã được nhập trên phần mềm. Đến thời điểm chị có nhu cầu chuyển hưởng, phần mềm thực hiện tốt chuyển tất cả các thông tin được nhập trên phần mềm, chúng tôi sẽ thực hiện click chuyển hồ sơ và đơn vị Trung tâm dịch vụ việc làm tại thành phố Hồ Chí Minh sẽ nhận toàn bộ hồ sơ của chị.
PV: Bà có thể cho biết có những giải pháp gì nhằm nâng cao hiệu quả việc hỗ trợ học nghề đối với người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, thưa bà?
Bà Ngô Thị Hải Thanh : Trong thời gian qua Cục việc làm đã rất quan tâm đến việc hỗ trợ học nghề đối với người lao động tham gia Bảo hiểm thất nghiệp, Cục việc làm đã:
+ Tham mưu , xây dựng và được ban hành các văn bản Bộ trưởng Bộ Lao động TB&XH, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 77/2014/QĐ-TTg ngày 24/12/2014 Quyết định quy định mức hỗ trợ học nghề đối với người lao động tham gia Bảo hiểm thất nghiệp.
+ Tham mưu Bộ trưởng Bộ Lao động TB&XH, Thủ tướng Chính phủ ban hành Luật Việc làm số 38/2013/QH13 ngày 16/11/2013.
+ Tham mưu Bộ trưởng Bộ Lao động TB&XH, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 28/NĐ-CP ngày 12/3/2015.
+ Tổ chức các buổi tập huấn, hội thảo nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người lao động thất nghiệp được biết đến ngoài được hưởng trợ cấp thất nghiệp người lao động còn được hỗ trợ học nghề ngắn hạn với mức hỗ trợ khóa học nghề 1 triệu đồng/ người/tháng, không quá 6 tháng.
+ Chỉ đạo các Trung tâm dịch vụ việc làm trong toàn bộ hệ thống để triển khai hỗ trợ học nghề cho lao động thất nghiệp.
PV: Bạn Nguyễn Hải ở Quảng Bình hỏi: Tôi đã đóng Bảo hiểm thất nghiệp được 6 năm 4 tháng, thất nghiệp được hưởng trợ cấp hàng tháng là bao nhiêu?
Bà Ngô Thị Hải Thanh: Theo quy định người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp 60% của 6 tháng lương gần nhất trước khi nghỉ việc. Trường hợp này sẽ được hưởng 6 tháng trợ cấp thất nghiệp theo quy định.
Xin cảm ơn Bà Ngô Thị Hải Thanh, PGĐ Trung tâm DVVL Bắc ninh đã tham gia chương trình chúng tôi ngày hôm nay./.
TTQGVDVVL.
Theo vieclamvietnam.gov.vn