Kể từ khi chế độ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) được thực hiện theo Luật việc làm từ đầu năm 2015, người lao động khi thất nghiệp sẽ được hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng học nghề so với mức 300.000 đồng truớc đó, bên cạnh nhiều hình thức hỗ trợ khác. Tuy nhiên, việc thực hiện các chính sách này vẫn chưa thông suốt do những thủ tục rườm rà làm khó người lao động khi thất nghiệp.
Tại buổi Toạ đàm “Chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo quy định Luật Việc làm” do Cổng thông tin Chính phủ tổ chức ngày 1-12, ông Lê Quang Trung, Phó Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho hay, chế độ BHTN đã được thực hiện 7 năm nhưng thực hiện theo quy định Luật việc làm chưa được một năm.
Kể từ khi chuyển chế độ BHTN sang Luật Việc làm, theo ông Trung, có nhiều điểm mới có lợi cho người lao động so với quy định trước đây của Luật Bảo hiểm xã hội. Thứ nhất, lao động có hợp đồng lao động từ đủ 3 tháng trở lên là có thể tham gia đóng BHTN, trong khi điều kiện trước đây là trên 1 năm. Người sử dụng lao động dù chỉ sử dụng từ 1 lao động trở lên cũng thuộc đối tượng tham gia chính sách này trong khi trước đây quy định doanh nghiệp phải có 10 lao động trở lên mới thuộc đối tượng tham gia.
Hơn nữa, người lao động tham gia BHTN sẽ được hưởng đầy đủ 4 chế độ gồm: Trợ cấp thất nghiêp; Tư vấn giới thiệu việc làm; Hỗ trợ học nghề đối với đối tượng tham gia BHTN từ đủ 9 tháng trở lên; Hỗ trợ đào tạo bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động
Bên cạnh đó, những người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp được hưởng bảo hiểm y tế (BHYT) miễn phí. Đồng thời, Chính phủ cũng đã nâng mức hỗ trợ học nghề lên 1 triệu đồng/người/tháng tùy theo ngành nghề đào tạo và đào tạo trong 6 tháng thay cho mức hỗ trợ trước kia chỉ 300.000 đồng/tháng.
Với mức hỗ trợ như vậy nên tính đến 18-11-2015, sau khoảng 11 tháng triển khai chế độ BHTN theo Luật Việc làm, đã có gần 480.000 người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, trong số đó có trên 86% số người đã được tư vấn giới thiệu việc làm; có gần 22.400 người được hỗ trợ nghề. Các con số này đã tăng trên 30% so với cùng kỳ năm 2014.
Tuy nhiên, sau gần một năm triển khai, theo ông Trung, chính sách này còn gặp nhiều vướng mắc, đặc biệt liên quan tới việc quản lý lao động.
Ở các nước có phần mềm quản lý từng lao động và khi người lao động có phát sinh hợp đồng lao động tại đâu thì dữ liệu đều được cập nhật. Trong khi đó, hiện nay Việt Nam vẫn chưa quản lý được dữ liệu này nên việc xác định đối tượng tham gia BHTN gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, tình trạng nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đang ở mức nghiêm trọng, ảnh hưởng tới quyền và lợi ích của người lao động.
Ngoài ra, nhiều người lao động vẫn phàn nàn về việc thủ tục đăng ký tham gia BHTN còn rườm rà. Theo quy định, hàng tháng người lao động phải trực tiếp thông báo với nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp về việc tìm kiếm việc làm; nếu không sẽ bị cắt trợ cấp thất nghiệp. Điều này gây khó khăn cho người lao động trong việc đi lại, bởi ví dụ như tại Vinh, Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh mới chỉ có một điểm giao dịch duy nhất ở Thành phố Vinh; hơn nữa, thủ tục phức tạp với nhiều loại biểu mẫu, tờ khai.
Ngoài ra, Luật Việc làm cũng quy định nếu hai lần từ chối nhận việc làm do Trung tâm dịch vụ việc làm nơi người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp giới thiệu mà không có lý do chính đáng, thì người lao động cũng bị cắt trợ cấp thất nghiệp.
Theo TBKTSG Online