Sau 6 tháng triển khai chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) theo Luật Việc làm, thống kê cho thấy, số người thất nghiệp có quyết định hỗ trợ học nghề là 10.563 người. So với những năm đầu thực hiện chính sách BHTN, con số này đã tăng lên rất nhiều (Năm 2010: 270 người; Năm 2011: 1.036 người; Năm 2012: 4.763 người; Năm 2013: 10.610 người; Năm 2014: 20.393 người). Đây là một trong bốn chế độ quan trọng của chính sách BHTN, giúp người lao động có cơ hội chuyển đổi nghề nghiệp, sớm quay trở lại thị trường lao động.
Ảnh minh họa
Tổng số người có quyết định hỗ trợ học nghề trong giai đoạn 2010-2015 (tính đến thời điểm 30/6/2015) là 47. 635 người. Trong 6 tháng đầu năm 2015, các Trung tâm Dịch vụ việc làm (TTDVVL) thuộc ngành Lao động- Thương binh và Xã hội trên cả nước đã tư vấn, giới thiệu việc làm (TV, GTVL) cho 825.000 lượt người, trong đó có hơn 300.000 người có việc làm, 10.563 người có quyết định hỗ trợ học nghề, tăng 51,2% so với cùng kỳ năm 2014. Số người chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN) (đã đóng BHTN từ đủ 09 tháng đến dưới 12 tháng trong vòng 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc đúng quy định) có quyết định hỗ trợ học nghề là 78 người, bằng 0,7% so với tổng số người thất nghiệp có quyết định hỗ trợ học nghề. Số tiền chi trả hỗ trợ học nghề tính theo quyết định hỗ trợ học nghề là 31,182 tỷ đồng.
Trong 6 tháng đầu năm 2015, 42/63 địa phương có hỗ trợ học nghề đối với người lao động. Số người được hỗ trợ học nghề ngày càng tăng đột biến tại một số địa phương có số người hưởng TCTN lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội. Những địa phương dẫn đầu về tỷ lệ người có quyết định học nghề so với số người có quyết định hưởng TCTN lần lượt làTP.Hồ Chí Minh: 16,0% (7.719 người có quyết định hỗ trợ học nghề); Lào Cai: 7,9% (24 người); Thái Nguyên: 7,3% (123 người); Bắc Ninh: 6,6% (203 người); Hà Nội: 6,4% (892 người); Khánh Hòa: 5,1% (141 người); Đồng Nai: 5,0% (656 người); Bình Thuận: 4,8% (118 người). Những vùng có số người thất nghiệp có quyết định hỗ trợ học nghề chiếm tỷ lệ lớn trong cả nước là Đông Nam Bộ (chiếm 78,7%); Vùng Đồng bằng Sông Hồng (chiếm 12,1%). Đây là tín hiệu đáng mừng thể hiện tính đúng đắn của Quyết định 77/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định mức hỗ trợ học nghề mới đối với người lao động đang hưởng TCTN. Theo đó, người lao động sẽ được hỗ trợ kinh phí để hỗ trợ học một lần, học một nghề tại cơ sở dạy nghề, mức hỗ trợ phụ thuộc vào thời gian học thực tế của từng nghề hoặc từng khóa học nhưng không quá 06 tháng và tối đa 1 triệu đồng/tháng (trước đây là 600.000 đồng/tháng đối với khóa học nghề trên 03 tháng hoặc 3.000.000 đồng/người/khóa học đối với khóa học nghề dưới 03 tháng).
Theo báo cáo rà soát của Tổng cục Dạy nghề về danh mục nghề, tính đến năm 2014, cả nước có 171 trường Cao đẳng nghề, 301 trường Trung cấp nghề, 991 trung tâm dạy nghề và trên một nghìn cơ sở khác có tổ chức tuyển sinh dạy nghề. Hiện nay, người thất nghiệp có nhu cầu học nghề đều được cán bộ tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tư vấn tận tình về ngành nghề, mức phí, thời gian học và địa điểm học. Hệ thống danh mục nghề của cơ sở dạy nghề đã tương đối sát với nhu cầu thực tế. Một số nghề mà người lao động đăng ký học như: Các nghề phục vụ nhu cầu gia đình, tự tạo việc làm (Nấu ăn, uốn tóc, cắt tỉa rau củ quả, kỹ thuật pha chế..); Công nghệ kỹ thuật cơ khí (sửa chữa máy may, sửa chữa xe gắn máy, bảo trì thiết bị cơ điện,...); Công nghệ kỹ thuật điện, điện, điện tử viễn thông (Điện công nghiệp, điện dân dụng, sửa chữa điện lạnh ô tô,...); Máy tính và công nghệ thông tin (sửa chữa máy tính xách tay, điện thoại di động, tin học văn phòng,..).
Để công tác hỗ trợ học nghề 6 tháng cuối năm có hiệu quả cao, cần thực hiện các biện pháp sau:
- Thứ nhất, tuyên truyền đến người lao động, người sử dụng lao động và cộng đồng xã hội nói chung về chính sách BHTN, chế độ hỗ trợ học nghề thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, các ấn phẩm;
- Thứ hai, theo dõi, kịp thời chỉ đạo và hướng dẫn các địa phương khi xảy ra vướng mắc trong quá trình giải quyết BHTN;
- Thứ ba, các TTDVVL cần chủ động phối hợp với cở sở dạy nghề trên địa bàn để tư vấn học nghề phù hợp với năng lực, trình độ và mong muốn của người lao động;
- Thứ tư, các cơ sở dạy nghề nghiên cứu, đổi mới các chương trình giảng dạy về hình thức đào tạo, quy mô đào tạo, thời lượng đào tạo… nhằm đáp ứng nhu cầu lựa chọn của người lao động và sát với xu hướng của thị trường;
- Thứ năm, đẩy mạnh TV, GTVL, tư vấn học nghề và hỗ trợ học nghề cho người thất nghiệp ngay từ khi người lao động đến nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp tại TTDVVL;
- Thứ sáu, không ngừng nâng cao năng lực cán bộ thuộc TTDVVL thông qua đào tạo, bồi dưỡng và tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng làm việc để thực hiện BHTN, TV, GTVL và dạy nghề;
- Thứ bảy, tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện cơ chế chi trả kinh phí hỗ trợ học nghề đối với các cơ sở dạy nghề nhằm thu hút cơ sở dạy nghề tham gia đào tạo nghề cho người thất nghiệp (hiện nay, cơ sở dạy nghề thu theo khóa học còn dạy nghề cho đối tượng thất nghiệp chi theo tháng và thời gian thực tế người lao động tham gia học nghề nên ảnh hưởng đến việc đào tạo chung của cơ sở dạy nghề)./.
TTQGDVVL
nguồn: vieclamvietnam.gov.vn