Chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) được quy định trong Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006 có hiệu lực từ 01/01/2009 và đến ngày 16/11/2013 tại kỳ họp Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII đã thông qua Luật việc làm trong đó chính sách BHTN trong Luật Bảo hiểm xã hội được chuyển sang chính sách BHTN trong luật việc làm có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2015. Đây là một chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, thể hiện tính nhân văn, sẻ chia của người lao động, chủ sử dụng lao động và Nhà nước đối với những lao động bị mất việc làm. Để có thể giám sát, đánh giá một cách chính xác cũng như đưa ra các định hướng trong tương lai, trong quá trình thực hiện chính sách này cần phải có những chỉ tiêu thống kê, các chỉ tiêu này phải được thu thập, cập nhật kịp thời, chính xác và khách quan.

Ảnh minh họa
Ý nghĩa của chỉ tiêu thống kê về bảo hiểm thất nghiệp
Đối với hệ thống các chỉ tiêu về thông tin thị trường lao động thì thất nghiệp là một chỉ tiêu không thể thiếu khi phân tích thực trạng thị trường lao động, có mối quan hệ chặt chẽ, tương hỗ với một số chỉ tiêu như việc làm, thiếu việc làm… Các chỉ tiêu thống kê về thị trường lao động có một nhược điểm đó là chưa đánh giá, thể hiện rõ nét được vai trò, tác động của các chính sách quản lý đến thị trường lao động nhưng các chỉ tiêu thống kê về BHTN đã khắc phục được phần nào nhược điểm đó.
Hiện nay, các văn bản hướng dẫn Luật Việc làm bao gồm Nghị định số 28/2015/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 28/2015/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động– Thương binh và Xã hội đã quy định rõ trách nhiệm của các bên liên quan trong việc báo cáo tình hình thực hiện chính sách BHTN như:
- Người sử dụng lao động: Báo cáo tình hình tham gia BHTN; Thông báo về tình hình biến động lao động (gồm các thông tin của người lao động về độ tuổi, giới tính, trình độ chuyên môn kỹ thuật, loại hợp đồng lao động/ hợp đồng làm việc đang giao kết, vị trí công việc đang làm, mức lương, thời gian đã tham gia BHTN);
- Trung tâm Dịch vụ việc làm (TTDVVL): Kiểm tra, theo dõi, cập nhật các thông tin của người lao động liên quan đến việc hưởng các chế độ BHTN và báo cáo định kỳ hằng tháng, quý, năm, báo cáo đột xuất với Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội và Sở Lao động- Thương binh và Xã hội;
- Sở Lao động- Thương binh và Xã hội: Báo cáo định kỳ 06 tháng, hằng năm và đột xuất với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
- Cơ quan Bảo hiểm xã hội: Cung cấp thông tin về việc tham gia và đóng BHTNcủa người lao động cho TTDVVL trên địa bàn.
Các mẫu biểu của Thông tư số 28/2015/TT-BLĐTBXH đã cụ thể hóa chi tiết chỉ tiêu thống kê mã số 101 “Số người hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN) được hỗ trợ học nghề”, mã số 102 “Số người hưởng trợ cấp thất nghiệp được tư vấn giới thiệu việc làm” theo quy định của Thông tư 11/2015/TT-BLĐTBXH ngày 11/3/2015 về việc Quy định chế độ báo cáo thống kê tổng hợp về Lao động – Thương binh và Xã hội. Thông tư số 28/2015/TT-BLĐTBXH cung cấp cho các nhà quản lý các nhóm chỉ tiêu nhằm đánh giá tính hiệu quả của chính sách BHTN như: Nhóm chỉ tiêu về tình hình tham gia BHTN (Số người giao kết hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc theo từng thời hạn hợp đồng; Số người giao kết hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc thuộc đối tượng tham gia BHTN/ đã tham gia BHTN; Số doanh nghiệp thuộc đối tượng tham gia BHTN/ đã tham gia BHTN); Nhóm chỉ tiêu về tình hình thực hiện chính sách BHTN (Số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng TCTN; Số người đã có quyết định hưởng TCTN; Số người được tư vấn, giới thiệu việc làm; Số người có quyết định hỗ trợ học nghề; Số tiền chi trả TCTN…).
Các nhóm chỉ tiêu trên là thông tin quan trọng trong hệ thống thông tin về thị trường lao động, nó vừa phản ánh phía cạnh cung của lao động lại vừa phản ánh cầu của lao động (việc làm trống). Những thông tin về tình hình thực hiện BHTN như số lượng người nộp hồ sơ đề nghị hưởng TCTN, độ tuổi của người có quyết định hưởng TCTN hàng tháng… phản ánh khía cạnh cầu lao động do đã cung cấp thông tin số lượng việc làm trống tại các doanh nghiệp. Về khía cạnh cung lao động, các thông tin về mức lương, vị trí công việc, trình độ chuyên môn kỹ thuật, lĩnh vực đào tạo, độ tuổi… chính là các thông tin về nguồn cung chất lượng, đáp ứng được yêu cầu của chủ sử dụng lao động. Đây là nguồn thông tin hữu ích cho các TTDVVL thực hiện tốt nhiệm vụ kết nối cung cầu lao động. Ngoài ra, các thông tin này có thể kết nối với một số chỉ tiêu để đánh giá phân tích thị trường lao động như tình hình biến động lao động của các doanh nghiệp, các thông tin về tăng, giảm lao động, tạm hoãn thực hiện hợp động lao động, chất lượng của lao động, ý thức tuân thủ pháp luật về BHTN của doanh nghiệp… Những thông tin này không những giúp cho các nhà quản lý nắm bắt được tình hình thực hiện chính sách BHTN của các chủ sử dụng lao động, tính hiệu quả của chính sách mà còn giúp các nhà nghiên cứu đánh giá, phân tích chất lượng của lao động, tính ổn định hay chất lượng của công việc, những yếu tố tác động đến tính bền vững của việc làm hay có thể thống kê số lượng người bị thất nghiệp từ các doanh nghiệp… để từ đó có những khuyến nghị chính sách đối với cơ quan quản lý Nhà nước về lao động và việc làm có những điều chỉnh sao cho phù hợp thực tế, đảm bảo quyền lợi của người lao động, chủ sử dụng lao động, cũng như hướng đến sự phát triển thị trường lao động một cách bền vững.
Khó khăn trong việc thu thập số liệu
Nhìn chung, việc thu thập các chỉ tiêu đánh giá về tình hình tham gia bảo hiểm thất nghiệp tại nhiều địa phương đã hoàn thành tốt trong thời gian qua. Tuy nhiên, nhóm chỉ tiêu về tình hình tham gia BHTN được đánh giá là khó thu thập hoặc chưa thu thập được do:
- Doanh nghiệp chưa ý thức được việc thực hiện thông báo biến động lao động của doanh nghiệp theo quy định;
- Khó xác định tổng số người giao kết hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc do còn nhiều doanh nghiệp không thực hiện báo cáo hoặc báo cáo không đầy đủ về Sở Lao động – Thương binh và Xã hội theo quy định;
- Việc xác định chính xác số lượng đơn vị, những người thực tế làm việc tại đơn vị mà thuộc đối tượng tham gia BHTN chưa được rà soát và quản lý chặt chẽ;
- Tình trạng doanh nghiệp trốn đóng BHTN cho người lao động còn diễn ra, nhất là tại các tỉnh, thành phố lớn tập trung nhiều khu công nghiệp và khu chế xuất như thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương,… vì vậy việc xác định số lượng doanh nghiệp và người lao động đóng BHTN đúng, đủ theo quy định của pháp luật trên địa bàn là rất khó.
Để các chỉ tiêu thống kê về bảo hiểm thất nghiệp thực sự có ý nghĩa thì ngoài sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng, ý thức của chủ sử dụng lao động, người lao động thì cần phải có sự hỗ trợ từ bên ngoài như công tác tuyên truyền, vận động, các phần mềm thống kê, sự kết nối, chia sẻ thông tin giữa các bên có liên quan… Từ đó, tạo dựng nên một hệ thống cơ sở dữ liệu về thị trường lao động hoàn chỉnh, đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý, nghiên cứu, nhằm tạo dựng một thị trường lao động phát triển, bền vững./.
TTQGDVVL
Nguồn: vieclamvietnam.gov.vn