Sau 06 năm tiếp nhận, giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp (từ 01/01/2010 đến nay) hiện nay trên cả nước tổng số nhân viên thực hiện công tác bảo hiểm thất nghiệp là 1.413 người (thống kê 9 tháng đầu năm 2015 của Trung tâm Quốc gia về dịch vụ việc làm), bằng 112,14% định suất lao động được giao. Thời gian đầu (2009-2010) số định suất lao động bảo hiểm thất nghiệp trên cả nước được tạm giao là 631 người, từ năm 2011 đến nay số định suất lao động thực hiện bảo hiểm thất nghiệp tại các địa phương được giao là 1260 người.
 |
ảnh minh họa |
Tuy nhiên, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp và được giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp tăng qua các năm nhưng số định suất không thay đổi tạo áp lực đối với đội ngũ thực hiện. Theo thống kê của Trung tâm Quốc gia về Dịch vụ việc làm, số hồ sơ giải quyết trung bình trên cả nước năm 2011 là 234,5 hồ sơ/định suất, nhưng đến năm 2014 tăng lên là 409,9 hồ sơ/định suất. Tại một số địa phương tỷ lệ này rất cao như: Tp. Hồ Chí Minh 1.390 hồ sơ/định suất; Bình Dương 1.084 hồ sơ; Đồng Nai: 676 hồ sơ. Thêm vào đó, từ năm 2015 việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp được quy định trong Luật Việc làm sẽ tiếp tục tạo sức ép về khối lượng công việc đối với đội ngũ thực hiện trong những năm tiếp theo nếu không được bổ sung.
Hơn nữa, định xuất lao động thực hiện bảo hiểm thất nghiệp tại các Trung tâm Dịch vụ việc làm chưa được xác định trong chỉ tiêu biên chế (tại một số Trung tâm có một số ít là viên chức ở bộ phận khác chuyển sang), việc này ảnh hưởng lớn tới việcnâng lương thường xuyên, điều động, bổ nhiệm, bồi dưỡng nâng cao năng lực, gây ra tâm lý bất ổn định đối với nhân viên thực hiện bảo hiểm thất nghiệp.
Mục tiêu chính của bảo hiểm thất nghiệp là nhanh chóng giúp người lao động thất nghiệp tìm kiếm được việc làm mới, ổn định đời sống của người lao động trong thời gian tìm kiếm việc làm. Do đó, cùng với trợ cấp thất nghiệp, người thất nghiệp còn nhận được các hỗ trợ quan trọng khác là hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề và bảo hiểm y tế.
Để đáp ứng tốt công tác tư vấn giới thiệu việc làm, nhân viên giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp cần có chuyên môn về xã hội, kinh tế, quản lý, tâm lý... để sắp xếp vào những bộ phận tương ứng như tư vấn giới thiệu việc làm, học nghề, xét duyệt giải quyết hồ sơ. Tuy nhiên, nhân viên thực hiện giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp tại các Trung tâm Dịch vụ việc làm chủ yếu được đào tạo chuyên ngành kinh tế và kỹ thuật chiếm 76%, chuyên ngành xã hội và bảo hiểm chiếm 15%, còn lại là ngành khác (Báo cáo nhân sự của Bảo hiểm thất nghiệp năm 2012). Do đó, các Trung tâm Dịch vụ việc làm cần tuyển dụng những nhân viên được đào tạo chuyên ngành xã hội, quản lý để bổ sung vào đội ngũ tư vấn, thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng, các kiến thức pháp luật về lao động việc làm, tâm lý, bổ sung kỹ năng giao tiếp, thuyết trình để từng bước đưa công tác tư vấn trở thành công tác đi đầu trong giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp và các dịch vụ việc làm khác.
Để đẩy mạnh công tác tư vấn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện bảo hiểm thất nghiệp, bên cạnh việc tập huấn đào tạo thường xuyên đối với đội ngũ nhân viên tư vấn cũng như nhân viên giải quyết hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp, theo chúng tôi cần thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, cần xác định biên chế Viên chức đối với nhân viên thực hiện giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp trên cả nước để người lao động yên tâm công tác và đủ điều kiện được bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo quản lý;
Thứ hai, rà soát, tuyển dụng bổ sung nhân viên được đào tạo các chuyên ngành về xã hội, kinh tế để thực hiện công tác tư vấn giới thiệu việc làm, bố trí cân đối đội ngũ tư vấn giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề và đội ngũ giải quyết hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp;
Thứ ba, thiết lập các tiêu chuẩn đánh giá đội ngũ tư vấn giới thiệu việc làm và thường xuyên theo dõi, đánh giá chất lượng đội ngũ tư vấn, đội ngũ thực hiện giải quyết hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp;
Thứ tư, xây dựng chương trình đào tạo bồi dưỡng bài bản chuyên nghiệp về chuyên môn, kỹ năng mềm, chính sách pháp luật để đào tạo đội ngũ nhân viên tư vấn giới thiệu việc làm;
Thứ năm, cần xác định quy chế tiền lương, chế độ phụ cấp ưu tiên đội ngũ tư vấn giới thiệu việc làm, do đây là công việc đặc thù yêu cầu trình độ chuyên môn cao, tâm lý vững vàng, môi trường làm việc căng thẳng, độc hại do tiếp xúc với nhiều người lao động.
Thứ sáu, mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về đào tạo nhân lực, qua đó tranh thủ tối đa sự hỗ trợ về tài chính, chương trình, nội dung đào tạo, giảng viên và phương pháp giảng dạy./.
TTQGDVVL
Nguồn: vieclamvietnam.gov.vn