(Chinhphu.vn) – Tại buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề “Việc làm trong quá trình hội nhập” trên Cổng TTĐT Chính phủ sáng 31/3, ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH cho hay người lao động chưa hiểu giá trị cốt lõi của bảo hiểm thất nghiệp.
 |
Ảnh: VGP/Xuân Tuyến |
Trong nhận thức của rất nhiều người lao động khi tham gia chế độ bảo hiểm thất nghiệp, họ chỉ quan tâm đến tiền trợ cấp thất nghiệp mà quên mất rằng mình còn có quyền được giới thiệu việc làm và học nghề miễn phí, mà đây mới được xem là giá trị cốt lõi của chính sách bảo hiểm thất nghiệp.
90% người lao động chỉ quan tâm đến trợ cấp thất nghiệp
Chia sẻ tại buổi giao lưu trực tuyến, ông Doãn Mậu Diệp thừa nhận thực trạng, năm 2010, khi mới triển khai thực hiện hoạt động tiếp nhận và giải quyết hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp lúc đầu, người lao động thường chỉ quan tâm đến chế độ trợ cấp thất nghiệp mà không chú ý đến chế độ tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề. Do đó, số người được hỗ trợ học nghề và giới thiệu việc làm còn thấp.
“Cá nhân tôi cho rằng bảo hiểm thất nghiệp nên được gọi là bảo hiểm việc làm. Vì việc làm mới là cái cần bảo hiểm còn trợ cấp thất nghiệp chỉ là khoản tiền nhỏ giúp người lao động duy trì cuộc sống khi không có việc làm.
Thực tế, bảo hiểm thất nghiệp được thiết kế rất toàn diện từ tư vấn tìm việc, hỗ trợ đào tạo nghề và trợ cấp thất nghiệp. Nhưng phần đông người lao động lại không nhận thức rằng môi trường lao động liên tục thay đổi nên họ luôn phải học tập liên tục. 100 người tìm đến các trung tâm nộp hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp thì đến 90 người mong nhận trợ cấp thất nghiệp”, Thứ trưởng nói.
Nguyên nhân của việc này, theo Thứ trưởng là do nhận thức của một số người lao động, người sử dụng lao động về chính sách bảo hiểm thất nghiệp còn hạn chế, nhiều người chưa hiểu rõ quyền và trách nhiệm của mình trong việc tham gia và hưởng bảo hiểm thất nghiệp.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp còn chậm đóng và nợ đọng bảo hiểm thất nghiệp.
Nếu như năm 2011 số nợ đọng bảo hiểm thất nghiệp là 172 tỷ đồng, thì đến năm 2015 số nợ đóng bảo hiểm thất nghiệp là 311,034 tỷ đồng. Do đó, người lao động không chốt được sổ bảo hiểm xã hội gây ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người lao động, ảnh hưởng đến công tác thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp…
Chính sách bảo hiểm thất nghiệp đang dần hoàn thiện
Tuy nhiên, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cũng nhận định, tình hình đang có nhiều thay đổi. Cụ thể, sau hơn 7 năm triển khai thực hiện, số người được tư vấn, giới thiệu việc làm chiếm gần 90% và hỗ trợ học nghề tăng nhanh, năm 2015 là 24.363 người, tăng 23% so với năm 2014 (19.796 người) và tăng 129,6% so với năm 2013 (10.610 người).
Nhiều lao động đến Trung tâm dịch vụ việc làm mục đích để nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp nhưng sau khi được tư vấn đã không nộp hồ sơ mà nhận việc làm mới hoặc tham gia học nghề nhằm nâng cao tay nghề để nhanh chóng tìm được việc làm.
“Theo khảo sát của chúng tôi, cứ 100 người đến các Trung tâm làm bảo hiểm thất nghiệp thì sau khi được tư vấn có 60 người mong muốn được hỗ trợ tìm việc làm sớm nhất. Điều này chứng tỏ, người lao động đã hiểu rằng khi có kỹ năng mới, kiến thức mới thì họ sẽ dễ dàng tìm được việc mới hơn”, ông Diệp cho biết.
Làm được việc này, theo Thứ trưởng là do chính sách bảo hiểm thất nghiệp ngày càng hoàn thiện, đối tượng thụ hưởng được mở rộng, tạo điều kiện cho người lao động. Hiện nay theo quy định của Luật Việc làm năm 2013, người lao động có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 9 tháng trở lên cũng có thể được hỗ trợ học nghề mà không bắt buộc phải thuộc đối tượng đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, mức hỗ trợ học nghề cũng được tăng cao hơn so với trước đây...
Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề của các Trung tâm dịch vụ việc làm đã đáp ứng được yêu cầu công việc, trình độ và kỹ năng ngày càng nâng cao.
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cũng cho biết, trong thời gian tới, Bộ LĐTB&XH sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về bảo hiểm thất nghiệp tới từng người lao động, người sử dụng lao động với nhiều hình thức như: Phát hành các ấn phẩm về bảo hiểm thất nghiệp (tờ rơi, sách hỏi đáp về bảo hiểm thất nghiệp, sách chỉ mục các quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp…), thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như đài phát thanh, đài truyền hình và thường xuyên tổ chức các hội nghị tuyên truyền, chương trình đối thoại trực tiếp với người lao động.
Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra. Tổ chức thanh tra pháp luật lao động trong đó có lồng ghép nội dung về bảo hiểm thất nghiệp hoặc thanh tra chuyên đề thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp nhằm phát hiện những vướng mắc, những vi phạm hay trục lợi bảo hiểm thất nghiệp kịp thời xử lý và tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động khi tham gia và thụ hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp.
“Quan trọng nhất là thay đổi tư duy của người lao động, hướng họ đến việc nhanh chóng học nghề mới, kỹ năng mới để nhanh chóng tìm được việc làm mới chứ không phải nhận khoản trợ cấp thất nghiệp chỉ đủ duy trì cuộc sống”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Phan Trang-Xuân Tuyến
Nguồn: chinhphu.vn