Thực hiện Chỉ thị số 14-CT/TU ngày 06/10/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động và đưa lao động đi làm việc ngoài tỉnh. Ngày 30/11/2016, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang đã ban hành Chương trình số 299/CTr-UBND chương trình xuất khẩu lao động và đưa lao động đi làm việc ngoài tỉnh Hà Giang giai đoạn 2016 - 2020.
Giai đoạn 2011 - 2015, công tác giải quyết việc làm nói chung, xuất khẩu lao động và đưa lao động đi làm việc tại các doanh nghiệp trong nước đã đạt được kết quả tích cực. Thông qua đi xuất khẩu lao động, đi làm việc ngoài tỉnh đã góp phần tích cực vào giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện điều kiện sinh hoạt gia đình; bước đầu làm thay đổi nhận thức của người lao động khi đi làm việc xa gia đình, giúp người lao động có tay nghề, tác phong công nghiệp, từng bước hình thành đội ngũ có tay nghề, hòa nhập vào thị trường lao động, tạo cơ hội cho dịch chuyển cơ cấu lao động theo hướng giảm lao động trong lĩnh vực nông lâm nghiệp. Cụ thể: Giải quyết việc làm cho 79.026 lao động, đạt 105,3% kế hoạch, trong đó gần 80% là giải quyết việc làm tại địa phương và chủ yếu tạo việc làm trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp; toàn tỉnh có 636 lao động được tuyển chọn đi xuất khẩu lao động; lao động đi làm việc ngoài tỉnh chiếm 15,36% tổng số lao động được giải quyết việc làm.
.jpg)
Đồng chí Sèn Chỉn Ly, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phát biểu tại buổi gặp mặt lao động tỉnh Hà Giang sang Trung Quốc làm việc theo “Thỏa thuận quản lý lao động qua biên giới” giữa tỉnh Hà Giang, Việt Nam và châu Văn Sơn, Trung Quốc
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác giải quyết việc làm nói chung, xuất khẩu lao động và đưa lao động đi làm việc ngoài tỉnh còn gặp một số khó khăn, tồn tại như: Điều kiện kinh tế - xã hội tỉnh còn khó khăn, doanh nghiệp chủ yếu vừa và nhỏ, nên khả năng thu hút tạo việc làm cho người lao động còn hạn chế; số lao động đi xuất khẩu lao động và làm việc ngoài tỉnh tuy có tăng, song còn thấp so với nhu cầu cần giải quyết việc làm và nhu cầu chuyển đổi nghề nghiệp của người lao động, người lao động chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, với tâm lý ngại đi xa gia đình, còn hạn chế về trình độ học vấn, ngoại ngữ, tay nghề, tác phong công nghiệp…; người lao động chưa chủ động học tiếng nước ngoài để tham gia xuất khẩu lao động, do đó gặp khó khăn khi đăng ký tham dự các kỳ thi để lựa chọn đi làm việc tại các nước có việc làm ổn định và thu nhập khá; các tập đoàn, doanh nghiệp chỉ tuyển lao động nữ (chiếm trên 87%), do vậy việc tìm kiếm thị trường có việc làm và thu nhập phù hợp để đưa lao động nam giới đi làm việc còn khó khăn.
Dự báo nhu cầu lao động - việc làm giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo: Tỷ lệ lao động trong độ tuổi chiếm trên 63%, hàng năm có khoảng 16.000 người bước vào độ tuổi lao động; dự báo 5 năm (2016 - 2020) số lao động có nhu cầu cần giải quyết việc làm toàn tỉnh khoảng 105.000 người (bình quân 21.000 người/năm). Nếu tính cả số lao động bị mất việc làm, thiếu việc làm tại các doanh nghiệp trở về địa phương, sinh viên tốt nghiệp ở các trường chuyên nghiệp, trường nghề, bộ đội xuất ngũ, số lao động có nhu cầu chuyển đổi việc làm từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ…thì số lao động có nhu cầu giải quyết việc làm giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 140.000 người, bình quân khoảng 28.000 người/năm.
Phấn đấu giai đoạn 2016 - 2020 đưa được khoảng 22.500 lao động của các huyện, thành phố đi làm việc ngoài tỉnh và xuất khẩu lao động, trong đó tham gia xuất khẩu lao động là 2.500 người. Bình quân mỗi năm có khoảng 4.500 lao động đi làm việc ngoài tỉnh và xuất khẩu lao động (chiếm khoảng 27,4% số lao động được giải quyết việc làm trong năm), trong đó xuất khẩu lao động khoảng 500 người. Do đó, cần thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp như: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, sự quản lý của chính quyền với công tác xuất khẩu lao động và đưa lao động đi làm việc ngoài tỉnh; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, tư vấn về xuất khẩu lao động và đưa lao động đi làm việc ngoài; thực hiện đồng bộ, có hiệu quả chính sách hỗ trợ xuất khẩu lao động, đi làm việc ngoài tỉnh; tạo nguồn lao động để xuất khẩu lao động và đưa lao động đi làm việc ngoài tỉnh; giao chỉ tiêu, kế hoạch xuất khẩu lao động và đi làm việc ngoài tỉnh cho các đơn vị, UBND các huyện, thành phố thực hiện; liên kết với các ngành, thành, các doanh nghiệp để đưa lao động đi xuất khẩu lao động và đi làm việc ngoài tỉnh; trao đổi, hội đàm với phía Trung Quốc để thực hiện quản lý lao động qua biên giới nhằm bảo vệ quyền lợi cho người lao động; tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng đối với hoạt động tuyển chọn trên địa bàn.
Chi tiết tải về TẠI ĐÂY