Trong trường hợp thỏa thuận miệng thì có căn cứ để chấp nhận hay không? Từ những bất cập này, Trung tâm CDI và M.net đề xuất bổ sung “việc trả lương lũy tiến làm thêm giờ với mức lương cao hơn quy định ở khoản này thì do hai bên thỏa thuận để thực hiện, được ghi nhận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc theo thỏa ước lao động ngành và/hoặc thỏa ước lao động nhóm DN”.
Trong khi đó, Tổng Liên đoàn - đại diện cho NLĐ nêu rõ quan điểm chỉ đồng ý mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ khi việc chi trả tiền lương làm thêm giờ được tính theo lũy tiến.
Để tránh tình trạng người sử dụng lao động “vắt sức” NLĐ để làm thêm giờ trong một khoảng thời gian dài liên tục, Tổng Liên đoàn đề nghị cần tiếp tục duy trì giới hạn trần làm thêm giờ trong một tháng, song có thể xem xét để nới rộng một cách phù hợp; đồng thời đề nghị cân nhắc xem xét để giảm thời giờ làm việc bình thường trong “không quá 48 giờ trong một tuần” xuống “không quá 44 giờ trong một tuần” và đưa vào dự thảo BLLĐ sửa đổi.
Trả lương lũy tiến để đảm bảo quyền lợi người lao động
Hiện nay, NLĐ trong khối DN thực hiện giờ làm việc tiêu chuẩn là 48 giờ/tuần, so với các quốc gia trong khu vực là cao và chỉ có 10 ngày nghỉ lễ, Tết.
Trong khi nhiều nước quy định NLĐ làm việc chính thức 40 giờ/tuần, lại có thời gian nghỉ lễ, Tết lớn như Campuchia 28 ngày, Thái Lan 16 ngày, Myanmar 15 ngày...Phó Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Lê Đình Quảng nhận định, tổng số giờ làm việc chính thức của NLĐ Việt rất cao.
Vì thế, đề xuất giảm giờ làm của NLĐ từ 48 giờ xuống còn 44 giờ/tuần để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ cũng là xu hướng thế giới. Hơn nữa, cũng là để rút ngắn khoảng cách về thời giờ làm việc đang không bình đẳng giữa khu vực công (công chức, viên chức, làm việc 40 giờ/tuần) với NLĐ ở khu vực DN.
Khi NLĐ làm 48 giờ một tuần sẽ thêm khó khăn, vất vả, không có thời gian nghỉ ngơi, thiếu thời gian chăm sóc gia đình. “Giảm giờ làm cũng là áp lực để DN cải tiến công nghệ, cải tiến thiết bị, quản lý để tổ chức một cách khoa học, nhằm nâng cao năng suất lao động” - ông Quảng nhấn mạnh.
Hiện nay, BLLĐ quy định NLĐ làm thêm giờ vào ngày thường được tính 150% lương, ngày nghỉ hàng tuần 200%, lễ tết 300%. Tổng Liên đoàn cho rằng đó không phải là cách tính trả lương lũy tiến. Theo ông Lê Đình Quảng, có nhiều cách để thực hiện trả lương làm thêm giờ theo kiểu lũy tiến.
Về nguyên tắc, làm thêm giờ càng nhiều thì tiền lương càng phải trả cao. Hiện Tổng Liên đoàn đang đề ra nhiều phương án trả lương lũy tiến, vào ngày thường, 2 giờ đầu làm thêm được trả theo quy định hiện nay 150%. Nhưng, làm thêm trên 2 giờ phải trả lương cao hơn mức 150% (Nga và Phần Lan thực hiện trả lương làm thêm giờ trong 2 giờ đầu 150%, từ giờ thứ hai trở đi 200%). Hoặc, phương án duy trì trả lương làm thêm giờ theo quy định của BLLĐ hiện hành, nhưng từ 301 giờ trở đi sẽ phải cao hơn, để thực hiện tiền lương lũy tiến.
Nguồn: baomoi.com