Để giúp quý độc giả tìm hiểu thêm những thông tin cơ bản của chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), Tạp chí Lao động và Xã hội phối hợp với Cục Việc làm (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) thông tin, giải đáp những thắc mắc về các quy định trong chính sách, trình tự thực hiện BHTN…
Hỏi: Chị Lê Thị Tính (Vĩnh Phúc) hỏi: Doanh nghiệp trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm thất nghiệp sẽ bị xử lý như thế nào?
Trả lời:
Theo quy định tại khoản 5 Điều 28 Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 8 năm 2013 của chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 21 Nghị định 88/2015/NĐ-CP ngày 07/10/2015 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 95/2013/NĐ-CP, phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội sai mục đích.
Theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 26 Nghị định số 95/2013/NĐ-CP:
- Phạt tiền với mức từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau: Chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp; Đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp không đúng mức quy định; Đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp không đủ số người thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.
- Phạt tiền với mức từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp cho toàn bộ người lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.
Theo khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 214 Văn bản hợp nhất số 01/VBHN-VPQH Bộ luật Hình sự ngày 10/07/2017 của Quốc hội:
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: Có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Chiếm đoạt tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; Gây thiệt hại từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; Tái phạm nguy hiểm.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm: Chiếm đoạt tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp 500.000.000 đồng trở lên; Gây thiệt hại 500.000.000 đồng trở lên.
- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Theo Điều 216 Văn bản hợp nhất số 01/VBHN-VPQH Bộ luật Hình sự ngày 10/07/2017 của Quốc hội:
- Người nào có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ 06 tháng trở lên thuộc một trong những trường hợp sau đây, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm: Trốn đóng bảo hiểm từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng; Trốn đóng bảo hiểm cho từ 10 người đến dưới 50 người lao động.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: Phạm tội 02 lần trở lên; Trốn đóng bảo hiểm từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng; Trốn đóng bảo hiểm cho từ 50 người đến dưới 200 người lao động; Không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản 1 Điều này.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: Trốn đóng bảo hiểm 1.000.000.000 đồng trở lên; Trốn đóng bảo hiểm cho 200 người lao động trở lên; Không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động quy định tại điểm b hoặc điểm c khoản 2 Điều này.
- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
- Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau: Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng; Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng; Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng.
PBHTN
Nguồn: laodongxahoi.net