Từ ngày 1/7/2024, chế độ lương mới sẽ có 3 nhóm đối tượng được đề xuất tăng, gồm lương công chức, lương hưu và lương tối thiểu vùng. Vấn đề này nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận.
Lương luôn là vấn đề nóng
Theo đó, nhóm thứ nhất được tăng lương là cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc trong khu vực doanh nghiệp, dự kiến sẽ được tăng khoảng 30% (tính cả lương cơ bản và phụ cấp). Từ năm 2025, mức lương này sẽ tiếp tục được điều chỉnh tăng thêm bình quân hàng năm khoảng 7%/năm; nhóm thứ hai, người hưu trí và đối tượng trợ cấp bảo hiểm xã hội (về cơ bản cách tính lương hưu khi cải cách tiền lương sẽ không thay đổi mà chỉ ảnh hưởng đến mức hưởng lương hưu do mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội thay đổi. Chính phủ sẽ có văn bản quy định cụ thể hoặc hướng dẫn cách xác định mức hưởng lương hưu trong thời gian sắp tới); lương tối thiểu vùng của người lao động làm việc trong khu vực doanh nghiệp cũng được điều chỉnh tăng thêm 6%, tương ứng ở các vùng như sau: Vùng 1 tăng lên 23.800 đồng; vùng 2 là 21.200 đồng; vùng 3 là 18.600 đồng; vùng 4 là 16.600 đồng.
Tăng lương là vấn đề được người lao động hết sức mong đợi, bởi mức lương hiện hành thực sự không giúp cho họ trang trải được cuộc sống. Chính bởi vậy, người lao động kỳ vọng mức lương mới được cải thiện sẽ bù đắp trượt giá, đáp ứng mức sống tối thiểu của họ.
Nghe thông tin sắp được tăng lương, chị Thiên An (công nhân Công ty TNHH Vina Bata, Sơn Tây, Hà Nội) bày tỏ phấn khởi. Chị An cho biết, so với mức sống tối thiểu hiện nay, nhiều công nhân đang phải “thắt lưng, buộc bụng” mới đủ chi tiêu. Và để có thể đảm bảo sinh hoạt phí hàng tháng, công nhân phải tăng ca nhiều, không có thời gian chăm sóc bản thân và gia đình. Chính bởi vậy, việc tăng lương tới đây rất có ý nghĩa trong việc chia sẻ, giảm bớt những gánh nặng chi tiêu của người lao động.
Là giáo viên của một trường mầm non tại quận Hà Đông (Hà Nội), chị Trần Nhật lệ chia sẻ: “Với đồng lương công chức của chồng và đồng lương giáo viên mầm non của tôi, hiện tại gia đình tôi đang phải hết sức tằn tiện mới lo đủ cho 4 người, trong đó 2 con đang độ tuổi đi học. Theo tính toán, tôi sẽ được tăng thêm khoảng 1,5 triệu đồng/tháng nếu áp dụng lương mới từ ngày 1/7. Đây là một khoản thu nhập rất đáng kể đối với gia đình tôi trong thời điểm hiện nay”.
Trao đổi về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Lan Hương – nguyên Viện trưởng viện Khoa học lao động xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho rằng, thực tế đây là đề án cải cách tiền lương được nhiều người dân kỳ vọng. “Tuy nhiên, vẫn có nhiều điểm còn cần phải bàn bạc để cụ thể hóa trong quá trình thực hiện như là tính thang bảng lương, việc trả lương theo công việc, hay thực hiện giao quyền tự chủ trả lương cho người đứng đầu cơ quan đơn vị, cách tính lương hưu… Đây là những việc cần phải làm khẩn trương” - bà Hương góp ý.
Trước tâm lý mong chờ của người dân về vấn đề tăng lương từ ngày 1/7 tới, tại Hội nghị giao ban đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác tháng 5/2024 và triển khai nhiệm vụ công tác tháng 6/2024 của Bộ Nội Vụ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã chỉ đạo giao Vụ Tiền lương khẩn trương hoàn thiện dự thảo Tờ trình, Báo cáo Bộ Chính trị về các nội dung cải cách tiền lương, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW, khóa XII. Đồng thời tập trung hoàn thiện dự thảo Nghị định và văn bản hướng dẫn các nội dung cải cách tiền lương. Sau khi có ý kiến của Bộ Chính trị, tham mưu, chuẩn bị các nội dung phục vụ họp báo về cải cách chính sách tiền lương và tổ chức các hội nghị góp ý kiến vào các dự thảo Nghị định, Thông tư hướng dẫn thực hiện chế độ tiền lương mới bảo đảm đủ cơ sở pháp lý thực hiện chính sách tiền lương từ ngày 1/7/2024.
Nỗ lực ổn định giá cả khi tăng lương
Theo dõi rất sát những thông tin của đợt cải cách tiền lương lần này, ông Phạm Minh Huân – nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nhận định: Cải cách tiền lương đang là vấn đề “nóng” nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận. Theo ông Huân, khu vực công là khu vực còn nhiều bất cập, cơ chế trả lương còn chưa được đổi mới. Trung ương đã nhấn mạnh để thay đổi cần phải sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế, đánh giá cán bộ công chức, tăng nguồn, tăng ngân sách…để cải cách lương cho công nhân, viên chức. Bên cạnh đó, cần tính toán kỹ việc cải cách lương hưu, để đảm bảo cho mọi người đều hưởng lợi từ việc tăng lương này, và không ai bị bỏ lại phía sau. Tâm lý của người về hưu luôn mong muốn có mức tăng cao để giảm bớt khó khăn trong đời sống. Nhưng tăng ở mức bao nhiêu cần tính toán trên nhiều yếu tố và phù hợp với tình hình thực tế. Thậm chí, với nhóm đối tượng có lương hưu thấp, nhà nước cần có mức hỗ trợ thêm để cải thiện cuộc sống của người về hưu. “Việc tăng lương có thể nói là đáp ứng được đúng vấn đề mong mỏi của quần chúng nhân dân, tuy nhiên cần thiết phải kiểm soát tốt vấn đề giá cả sinh hoạt” – ông Huân nhấn mạnh.
Băn khoăn về việc lương chưa tăng giá cả đã tăng, chị Trần Nhật Lệ (Hà Đông, Hà Nội) bày tỏ: “Lương tôi dự kiến được tăng khoảng 1,5 triệu đồng/tháng, 2 vợ chồng tăng khoảng 2,4 triệu đồng/tháng. Đây là một khoản tăng thêm tương đối lớn và rất cần thiết đối với gia đình tôi. Tuy nhiên, nếu giá cả leo thang thì mức tăng này không còn ý nghĩa”.
Liên quan đến vấn đề điều hành giá và kiểm soát lạm phát sau tăng lương, tại Nghị trường Quốc hội sáng 6/6, trả lời chất vấn của các ĐBQH, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ, trong bối cảnh hiện nay, vấn đề lạm phát liên quan rất nhiều đến các mặt hàng thiết yếu. Theo Phó Thủ tướng, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành triển khai rất quyết liệt các giải pháp đồng bộ, thông suốt trong đảm bảo sản xuất, cung ứng lưu thông và phân phối các mặt hàng, đặc biệt là các mặt hàng Chính phủ quản lý và kiểm soát về giá được điều chỉnh bởi một lộ trình phù hợp với thời gian phù hợp. Cùng với đó, Chính phủ đã thúc đẩy, đưa ra các chính sách để hỗ trợ kích cầu tiêu dùng về du lịch, mua sắm… Đồng thời đã có nhiều chính sách để tăng đầu tư khu vực công, các cơ sở hạ tầng thiết yếu để đảm bảo cho sản xuất và kinh tế phát triển.
"Điều chỉnh nhịp nhàng giữa tăng trưởng kinh tế với phòng chống lạm phát, điều chỉnh kết hợp một cách hoàn hảo giữa chính sách tiền tệ và tài khóa thì chúng ta hoàn toàn có thể điều chỉnh được giá cả. Việt Nam có lợi thế là một quốc gia có gói giá cả thiết yếu như lương thực thực phẩm thiết yếu. Chúng ta hoàn toàn không có tỷ lệ lớn hàng hóa phải nhập khẩu các nguyên nhiên vật liệu. Đặc biệt là cần phải tính đến dự báo và có những hợp đồng có tính ổn định và dài hạn để kiểm soát tăng giá ở mặt hàng sản xuất này" – Phó Thủ tướng giải trình trước Quốc hội.
Chuyên gia kinh tế, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh:
Không để tình trạng “giá hàng hóa té nước theo lương”
Việc tăng lương sau cải cách có ý nghĩa lớn. Nhưng nếu tăng lương xong lại tăng giá thì không giải quyết được vấn đề gì, không có ý nghĩa gì. Nhà nước cần có các giải pháp để kiềm chế giá cả, tránh tình trạng “giá hàng hóa té nước theo lương”. Phải phân định mặt hàng nào tăng giá trong thời gian trước và sau khi lương tăng thì cần phải đặc biệt lưu tâm quản lý chặt chẽ. Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) và Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) phải phối kết hợp với địa phương, các phường, xã, quận, huyện là nơi trực tiếp quản lý hàng hóa đến với người dân ngay trên địa bàn của mình, cần làm tốt việc giám sát giá cả. Cần phải phân cấp quản lý một cách hiệu quả. Theo đó, lực lượng quản lý thị trường, quản lý giá cần theo dõi, giám sát tình hình giá sản xuất đầu vào của các doanh nghiệp lớn. Còn các sản phẩm liên quan đến dân sinh, thiết yếu thì chính quyền địa phương các cấp phải quản lý. Bỏ bớt khâu trung gian, giảm giá thành sản phẩm để người tiêu dùng được lợi.
Nguồn: nld.com.vn