Đào tạo nghề ngày càng đổi mới theo hướng đào tạo theo nhu cầu của thị trường. Mặc dù vậy, để thu hút giới trẻ học nghề, nâng cao năng suất lao động đòi hỏi phải có sự thay đổi mạnh mẽ, bao gồm cả nguồn lực và chính sách.
Lương khởi điểm có thể đạt mức 20 triệu đồng/tháng
Với xu hướng đào tạo nghề kết hợp giữa tuyển sinh và tuyển dụng, một sinh viên trường nghề ra trường có thể đạt mức thu nhập khởi điểm tương đương với sinh viên tốt nghiệp đại học. Thậm chí nhiều sinh viên tốt nghiệp trường nghề còn có mức lương khởi điểm 20 triệu đồng/tháng. Nhờ sự thay đổi tích cực này, học nghề đã trở thành xu hướng được phụ huynh định hướng và lựa chọn cho con khi vừa tốt nghiệp THCS.
Kỳ thi tốt nghiệp THCS vừa qua, dù đạt số điểm 39,5 điểm nhưng em Vũ Thu Hường (Thạch Thất, Hà Nội) vẫn lựa chọn học nghề 9+ tại Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội. Nhận thấy, xu hướng tuyển dụng cũng như xu hướng ngành nghề đã thay đổi, Hường quyết định học lớp cơ điện tử, vốn được nhiều người mặc định chỉ dành cho nam giới.
Hường chia sẻ: “Chọn học nghề sớm cũng là cách để em trưởng thành và có được những cơ hội tìm kiếm việc làm phù hợp với khả năng của bản thân”.
Theo cô sinh viên này, rất nhiều bạn học cùng lớp cũng lựa chọn học nghề. “Trong dòng họ và người trong làng nơi em sinh sống có rất nhiều anh, chị thay vì học tiếp cấp 3 đã lựa chọn học chương trình 9+. Và chỉ sau 3 năm tốt nghiệp mọi người vừa có được bằng văn hóa vừa có bằng nghề. Nhiều anh, chị ngay khi còn đang học trong trường đã được các công ty, doanh nghiệp về tận trường tuyển dụng với mức lương 15 triệu đồng/tháng kèm theo đó là những chính sách đãi ngộ rất tốt như: phụ cấp ăn ca, dưỡng sức, bồi dưỡng nghiệp vụ…” - Hường chia sẻ.
TS Phạm Xuân Khánh - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội, đánh giá thế hệ trẻ hiện nay đang chuyển mình cùng công nghệ số, đón đầu xu hướng toàn cầu. Các em dễ dàng nắm bắt thời cuộc và dám vượt ra khỏi những quan niệm khuôn mẫu, những lối mòn trong tư tưởng cũ như “phải đậu đại học, học đại học mới có thể thành công”.
Do đó, nhiều em đạt điểm cao trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2024 vừa qua, có thể đỗ vào những trường đại học thuộc top đầu cả nước nhưng vẫn quyết định rẽ hướng chọn trường nghề.
“Việc thí sinh chủ động chọn học nghề là xu hướng tốt nhất là trong bối cảnh thị trường lao động “thừa thầy thiếu thợ” như hiện nay. Hơn nữa thu nhập của sinh viên sau tốt nghiệp từ trường nghề không hề thấp, đặc biệt là những em có tay nghề trong những ngành “khát” nhân lực, như công nghệ thông tin, tự động hóa, cơ điện tử...” - ông Khánh thông tin.
Đào tạo nghề theo nhu cầu thị trường
Nắm bắt được xu hướng để thu hút học sinh đăng ký theo học Chương trình 9+, nhiều trường ngoài đổi mới chương trình đào tạo cùng với đó là liên kết đào tạo theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp. Đơn cử như Trường Trung cấp nghề Giao thông Công chính Hà Nội mở thêm một số mã ngành mới, gồm Tiếng Đức, Tiếng Nhật, Tạo mẫu và Chăm sóc sắc đẹp, Điện tử công nghiệp, Điện công nghiệp.
Ông Lê Minh Thảo - Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) TP Hà Nội đánh giá, học nghề đang là xu hướng hiện nay. Phụ huynh, học sinh đã nhận thức đúng hơn về bản chất, mục đích của việc học nghề. Khi tìm hiểu về trường nghề, họ đã có định hướng công việc tương lai cho con em mình.
Theo ông Thảo, học nghề, sinh viên sẽ được làm việc, thực hành nhiều hơn, sau khi ra trường không phải mất thời gian làm quen với nghề. Nếu như sinh viên lựa chọn học liên thông lên đại học có thể vừa học vừa làm, thì có nhiều ngành “hot” để các em lựa chọn đăng ký như: Công nghệ ô tô, cơ khí, chăm sóc sắc đẹp…
Sự chuyển dịch ở doanh nghiệp (DN) tuyển dụng cũng rất rõ nét trong thời gian gần đây. Theo đó, có rất nhiều DN “khát” nhân lực phải đặt hàng sinh viên ngay từ đầu vào.
Từ góc độ DN, ông Phan Quyết Long - Giám đốc Công ty TNHH Xây lắp chế tạo và cung cấp thiết bị công nghiệp Thành Long, cho biết để đảm bảo chất lượng sản phẩm, công ty sử dụng 100% lao động đã qua đào tạo. Những lao động đã qua đào tạo vừa có lý thuyết chuyên môn vừa có kỹ năng về nghề. Đó là các yếu tố rất cần thiết đối với DN.
Minh chứng từ thực tế cho thấy, công tác đào tạo nghề thời gian qua đã có chuyển biến tích cực, nhất là khi có DN “đặt hàng” để nguồn nhân lực tốt nghiệp xong có thể đi làm ngay, đáp ứng nhu cầu của DN.
Để nhân rộng hình thức “đào tạo tạo nghề theo địa chỉ” với sự liên kết của trường đào tạo và DN, theo ông Phạm Vũ Quốc Bình - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐTBXH), Chính phủ cần có chính sách ưu đãi đối với DN khi tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp, chính sách tín dụng, đầu tư đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp và chính sách ưu đãi vay vốn tạo việc làm và khởi nghiệp dành cho học sinh, sinh viên.
Nguồn: nld.com.vn