Mức hưởng, thời gian hưởng bảo hiểm thất nghiệp cần tính toán hợp lý nhằm mang lại lợi ích thiết thực hơn cho người tham gia khi thất nghiệp
Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), giai đoạn 2015 - 2023, bình quân mỗi năm cả nước có 826.000 người nhận trợ cấp thất nghiệp (TCTN), với mức chi khoảng 10.000 tỉ đồng/năm. Riêng năm 2023, mức hưởng TCTN khoảng 3,5 triệu đồng/người/tháng; số tháng hưởng bình quân là 5.
Mức hưởng chỉ đủ thuê trọ
Theo Luật Việc làm năm 2013, mức hưởng TCTN hằng tháng của người lao động (NLĐ) bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) của 6 tháng đóng gần nhất trước khi thất nghiệp, nhưng tối đa không quá 5 lần mức lương tối thiểu (LTT) tháng theo vùng do Chính phủ công bố tại tháng cuối cùng đóng BHTN.
Góp ý cho dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đề nghị nâng mức hưởng TCTN hằng tháng lên 75% mức bình quân tiền lương tính đóng BHTN trước khi NLĐ thất nghiệp. Lý do là phần lớn doanh nghiệp (DN) hiện đóng BHTN cho NLĐ theo mức LTT vùng nên mức hưởng rất thấp. Trong khi đó, theo khảo sát, mức chi tiêu bình quân của một gia đình NLĐ vào giữa năm 2023 là khoảng 11,7 triệu đồng/tháng.
Phản hồi đề xuất này, Bộ LĐ-TB-XH vẫn bảo vệ quan điểm giữ nguyên mức hưởng TCTN theo quy định hiện hành. Bộ cho rằng mức hưởng này là mức thu nhập tối thiểu để giảm bớt khó khăn cho NLĐ khi bị mất việc làm, phù hợp với điều kiện Việt Nam và thông lệ quốc tế.
Việc Ban Soạn thảo đề xuất giữ nguyên mức hưởng TCTN là 60% khiến nhiều công nhân khá hụt hẫng. Ông Nguyễn Quốc Bảo - làm việc ở một công ty thực phẩm tại quận 12, TP HCM - cho hay tất cả công nhân của DN này dù có thâm niên bao lâu thì cũng hưởng chung một bậc lương bằng mức LTT vùng. Sau hơn 10 năm làm việc và nhiều lần được điều chỉnh LTT, mức đóng BHTN của ông Bảo từ tháng 7-2024 khoảng 5,3 triệu đồng/tháng (bằng mức LTT vùng nhân 7% đã qua đào tạo), tương ứng mức hưởng BHTN khoảng 3,18 triệu đồng/tháng.
"Nếu tôi không may thất nghiệp, mức hưởng này chỉ đủ trả tiền thuê phòng trọ, điện, nước và tiền rác mỗi tháng; chưa tính chi phí ăn uống và trang trải cho gia đình. Do vậy, dù BHTN là khoản bù đắp một phần thu nhập cho NLĐ khi thất nghiệp nhưng nếu phần bù đắp đó thiết thực hơn thì chính sách sẽ có ý nghĩa hơn" - ông Bảo bày tỏ.
Theo báo cáo tổng kết thi hành Luật Việc làm năm 2013, từ năm 2009 đến nay, số thu BHTN tăng dần qua các năm. Giai đoạn 2015 - 2023, số tiền thu BHTN tăng bình quân 9%/năm. Tính đến hết năm 2023, số tiền kết dư quỹ BHTN là khoảng 59.357 tỉ đồng.
Từ dữ liệu trên, ông Trần Văn Triều, Chủ tịch Hội Luật gia quận 12, đồng tình với đề xuất tăng mức hưởng BHTN cho NLĐ lên 75%. Việc này sẽ bảo đảm mức sống tối thiểu cho NLĐ, nhất là trường hợp bị mất việc do những lý do khách quan (dịch bệnh, DN khó khăn, giảm đơn hàng…) nhưng khó tìm việc làm mới.