Nếu đóng bảo hiểm thất nghiệp trên thu nhập thực tế, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động có thể đạt hơn 5,5 triệu đồng/tháng.
Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm TP HCM, trong năm 2023, TP HCM đã giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN) cho 164.929 người lao động (NLĐ) với số tiền hơn 5.489 tỉ đồng, bình quân 1 người được 35.468.753 đồng.
Trong đó, mức hưởng TCTN dưới 2 triệu đồng/tháng có 283 người (0,17%); từ 2 - 4 triệu đồng/tháng là 100.933 người (61,20%); từ trên 4 triệu đồng đến dưới 17,5 triệu đồng /tháng có 54.801 người (33,23%); từ 17,5 triệu đồng đến mức hưởng tối đa có 8.912 người (5,40%).
Tỉ lệ mức hưởng TCTN trong 6 tháng đầu năm 2024 của NLĐ cũng tương tự như năm 2023, các mức hưởng lần lượt tương ứng với tỉ lệ 0,06%; 62,92%; 31,17% và 5,85%.
Trong khi đó, theo Cục Thống kê TP HCM, năm 2022, thu nhập bình quân của NLĐ tại TP HCM đạt hơn 9,18 triệu đồng/người/tháng và năm 2023 đạt 9,22 triệu đồng người/tháng.
Các số liệu trên cho thấy có sự chênh lệch khá lớn giữa thu nhập thực tế và mức hưởng TCTN của NLĐ. Đáng nói hơn là có gần 63% NLĐ tại TP HCM chỉ được hưởng TCTN ở mức trên mức lương cơ sở (1,8 triệu đồng) và dưới mức lương tối thiểu vùng (vùng 1 là 4,68 triệu đồng; vùng 2 (áp dụng cho huyện Cần Giờ) là 4,16 triệu đồng).
Lý giải tình trạng trên, Thạc sĩ Nguyễn Tất Năm, nguyên Trưởng phòng Lao động - Tiền lương - BHXH Sở LĐ-TB-XH TP HCM, cho rằng đa số người sử dụng lao động hiện nay thường căn cứ mức lương tối thiểu để xây dựng mức lương trong thang lương, bảng lương làm cơ sở tuyển dụng, giao kết trong hợp đồng lao động và đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho NLĐ.
Điều này không trái với quy định của pháp luật nhưng tạo ra khoảng cách lớn giữa thu nhập thực tế với tiền lương trong hợp đồng. Bên cạnh đó, để tiết giảm chi phí đóng các khoản bảo hiểm, các doanh nghiệp còn triệt để tính toán, chia nhỏ lương và quy vào các khoản phụ cấp, trợ cấp không phải đóng BHXH, BHYT, BHTN…
Với mức hưởng 60% bình quân tiền lương tháng đóng BHTN (của 6 tháng cuối), TCTN mà NLĐ được nhận chỉ có thể thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.
Mức hưởng này không thể bảo đảm mức sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ khi thất nghiệp. Trong khi nếu đóng BHTN trên thu nhập thực tế, mức hưởng TCTN hàng tháng của NLĐ sẽ đạt mức hơn 5,5 triệu đồng/tháng, cao hơn mức lương tối thiểu vùng.
Khi NLĐ đang tham gia vào quan hệ lao động thì tiền lương là nguồn thu nhập chính, đảm bảo nhu cầu cơ bản của cuộc sống hằng ngày và tích lũy cho tương lai. Khi họ bị thôi việc, mất việc thì TCTN trở thành thu nhập của NLĐ.
Nguồn: nld.com.vn