Cùng với việc tính toán hợp lý quy định hưởng trợ cấp thất nghiệp, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để tránh tình trạng trục lợi
Theo quy định của Luật Việc làm năm 2013 (còn hiệu lực), thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN) được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Người lao động (NLĐ) cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng BHTN thì được hưởng 3 tháng TCTN, sau đó cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng TCTN nhưng tối đa không quá 12 tháng. Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) kế thừa quy định này, song vẫn có ý kiến băn khoăn.
Vẫn còn kẽ hở
Bà Trần Thị Mỹ Linh - phụ trách nhân sự một công ty may tại quận 12, TP HCM - cho hay thời gian qua tại doanh nghiệp (DN) xảy ra tình trạng một số lao động chỉ mới vào làm tại công ty thời gian ngắn đã xin nghỉ việc để hưởng BHTN. Đây là những người có thời gian tham gia BHTN chưa đủ 12 tháng hoặc không đáp ứng điều kiện hưởng TCTN ở đơn vị trước đó - do thiếu hồ sơ, nộp hồ sơ quá hạn 3 tháng, chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) trái quy định...
"Theo quy định, NLĐ đóng BHTN 1 năm hay 3 năm đều được hưởng 3 tháng TCTN, bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHTN của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc. Do đó, NLĐ có suy nghĩ cứ đóng đủ 12 tháng là nghỉ việc để hưởng BHTN, cùng với đó, họ xin làm các công việc thời vụ (không đóng BHXH, BHTN, BHYT) sẽ có lợi hơn. Dẫn đến khó ổn định nhân sự trong DN" - bà Linh chia sẻ.
Người lao động tại TP HCM làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp tại một sàn giao dịch việc làm. Ảnh: HUỲNH NHƯ
ThS Hoàng Thị Minh Tâm, giảng viên Trường ĐH Luật TP HCM, cũng nhìn nhận qua thực tiễn áp dụng Luật Việc làm cho thấy NLĐ có hành vi trục lợi BHTN bằng cách sau 12 tháng đóng BHTN thì xin nghỉ việc để hưởng 3 tháng TCTN. Sau đó lại tiếp tục ký HĐLĐ, đóng BHTN đủ 12 tháng để hưởng chế độ... Do đó, bà Tâm cho rằng nếu vẫn giữ nguyên quy định này khi sửa đổi Luật Việc làm thì việc giám sát, kiểm tra về nghĩa vụ thông báo tìm kiếm việc làm của NLĐ một cách trung thực, đầy đủ là rất cần thiết.
Còn TS Lê Thị Thúy Hương, Trưởng Phòng Nghiên cứu khoa học và Hợp tác phát triển Trường ĐH Luật TP HCM, cho rằng việc NLĐ có thời gian đóng đủ 12 tháng và 36 tháng đều nhận mức TCTN như nhau (3 tháng), trong khi khoảng thời gian này chênh lệch khá lớn, khiến NLĐ cảm thấy chưa được thỏa đáng và công bằng.
Bên cạnh đó, tuy quy định về điều kiện hưởng TCTN tại dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) cơ bản kế thừa từ Luật Việc làm 2013 nhưng vẫn còn một số điểm chưa hợp lý. Chẳng hạn ở điều kiện NLĐ đã đóng BHTN từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt HĐLĐ (hoặc hợp đồng làm việc) xác định hoặc không xác định thời hạn; đã đóng BHTN từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt HĐLĐ có thời hạn từ đủ 1 tháng đến 12 tháng.
"Quy định này quá chặt chẽ, thiếu linh hoạt, gây khó khăn cho NLĐ bởi với tình trạng việc làm bấp bênh như hiện nay, khung thời gian 24 hoặc 36 tháng là quá ngắn, nhiều NLĐ khó có thể đáp ứng đủ điều kiện" - bà Hương nhận xét.
Thời gian hưởng tối thiểu 3 tháng là phù hợp
Liên quan quy định trên, vừa qua, khi góp ý sửa đổi Luật Việc làm, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã kiến nghị ban soạn thảo nghiên cứu sửa đổi theo hướng NLĐ làm từ đủ 1 tháng đến 24 tháng được hưởng 2 tháng TCTN. Sau đó, cứ đóng thêm đủ 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng, tối đa không quá 12 tháng. Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng việc sửa đổi này về cơ bản không gây bất lợi cho NLĐ nhưng hạn chế được tình trạng NLĐ lợi dụng nhảy việc.
Trả lời kiến nghị này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) cho biết chính sách BHTN ở Việt Nam nói chung, các chế độ cũng như điều kiện hưởng, mức hưởng, thời gian hưởng các chế độ BHTN nói riêng, được xây dựng trên cơ sở kinh nghiệm quốc tế của các nước có điều kiện tương đồng với Việt Nam cũng như khuyến nghị của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). Thực tế, chính sách BHTN phù hợp với thực tiễn nên đã sớm đi vào cuộc sống và đạt nhiều kết quả tích cực, kịp thời hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động, đặc biệt trong giai đoạn xảy ra dịch COVID-19.
Nguồn: nld.com.vn