Việc tư vấn, nói chuyện trực tiếp về hướng nghiệp, khởi nghiệp, học nghề tại các địa bàn nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số góp phần tạo việc làm cho nhiều lao động, trong đó có lực lượng trẻ.
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Cà Mau, trong năm 2024, các đơn vị giáo dục nghề nghiệp đã tuyển sinh, đào tạo và bồi dưỡng cho hơn 31.000 người, vượt 11,4% kế hoạch.
Ngành đã phối hợp với UBND cấp xã tổ chức tư vấn, nói chuyện chuyên đề về hướng nghiệp, khởi nghiệp, học nghề, việc làm tại các ấp, xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn 3 huyện: Trần Văn Thời, Phú Tân và Thới Bình; có khoảng 800 người lao động tham gia.
Phối hợp với UBND huyện U Minh và huyện Đầm Dơi tổ chức ngày hội tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động là người dân tộc thiểu số hoặc người kinh sinh sống trên địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số, thu hút khoảng 600 lao động.
Từ một số hoạt động này đã góp phần tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương, nhất là vùng nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số.
Trong năm 2025, tỉnh này đặt ra mục tiêu tuyển sinh, đào tạo và bồi dưỡng cho 28.000 người; tỷ lệ lao động qua đào tạo 60%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ 27%; giải quyết việc làm cho 40.600 lao động.
Định hướng lâu dài hơn đến năm 2030 về nguồn lực trẻ, tỉnh phấn đấu hằng năm 75% thanh niên nông thôn, thanh niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số được trang bị kiến thức về quốc phòng và an ninh; ít nhất 75% thanh niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt trình độ trung học cơ sở.
Hằng năm có ít nhất 20% thanh niên làm báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật là người dân tộc thiểu số và tham gia công tác phổ biến giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ phổ biến giáo dục pháp luật; phấn đấu đến năm 2030 đạt tỷ lệ 100%.
Đến năm 2030, có 85% thanh niên được tư vấn hướng nghiệp và việc làm; 70% thanh niên được đào tạo nghề gắn với tạo việc làm, ưu tiên việc làm tại chỗ; phấn đấu tạo việc làm ổn định cho 55% thanh niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;…
Ngoài ra, UBND tỉnh Cà Mau cũng đã có kế hoạch hỗ trợ nâng cao năng lực ngoại ngữ và hội nhập quốc tế cho thanh, thiếu nhi tỉnh Cà Mau đến năm 2030, tập trung vào nhóm từ 6 đến 30 tuổi như: Trẻ em, thiếu niên nhi đồng có hoàn cảnh khó khăn, thanh niên nông thôn, thanh niên công nhân, thanh niên làm kinh tế, thanh niên lực lượng vũ trang, học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Triển khai giải pháp thời gian tới, ngành LĐ-TB&XH tỉnh Cà Mau sẽ phối hợp với các sở, ngành, địa phương thực hiện kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn, người nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số từ 3 chương trình mục tiêu quốc gia.
"Phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện tốt công tác phân luồng học sinh tại các trường học, định hướng học nghề, giải quyết việc làm,… từ đó thay đổi nhận thức của học sinh, phụ huynh trong chọn lựa nghề nghiệp phù hợp, góp phần tạo chuyển biến tích cực trong điều chỉnh cơ cấu, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực", theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Cà Mau.
Ngành khuyến khích các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ động điều chỉnh kế hoạch, tiến độ đào tạo phù hợp nhằm cung ứng nguồn nhân lực qua đào tạo kịp thời cho doanh nghiệp và thị trường lao động; tuyên truyền, tư vấn học nghề cho lao động nông thôn, đặc biệt là lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo, vận động người dân thay đổi nhận thức trong việc học nghề gắn với giải quyết việc làm.
Để lao động nông thôn tiếp cận việc làm thuận lợi, một trong những giải pháp hiệu quả là Trung tâm dịch vụ việc làm sẽ phối hợp đơn vị liên quan tổ chức các phiên giao dịch tư vấn giới thiệu việc làm cho người lao động để cung cấp thông tin về thị trường lao động, tạo thuận lợi cho việc kết nối cung - cầu lao động, tiết kiệm chi phí cho người lao động.
Nguồn: nld.com.vn