Tỉnh Hậu Giang đã đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các đơn vị trong việc thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, qua đó đảm bảo chính sách được giải quyết nhanh chóng, kịp thời, đúng quy định.
Thống kê hiện nay, tỉnh Hậu Giang có 1.320 doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Số người giao kết hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp là 58.592 người. Trong năm 2024, số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp là 7.374 người; Số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp là 7.369 người. Số tiền chi trả trợ cấp thất nghiệp là hơn 113 tỷ đồng.
Để tổ chức triển khai thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, ngoài địa điểm tiếp nhận hồ sơ tại trụ sở làm việc chính đặt tại thành phố Vị Thanh, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tiếp tục duy trì hoạt động của 02 văn phòng BHTN- DVVL tại huyện Châu Thành A và huyện Phụng Hiệp. Hiện nay, đơn vị có tổng số 24 người thực hiện công việc có liên quan đến nghiệp vụ bảo hiểm thất nghiệp.
Trong năm 2024, Trung tâm đã tiếp nhận 7.374 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, trong đó có 7.067 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia và Cổng dịch vụ công của tỉnh. Tiếp tục phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh Hậu Giang thực hiện việc rà soát tình trạng việc làm của người lao động trong thời gian nộp hồ sơ và thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp để đảm bảo giải quyết chế độ hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người lao động kịp thời và chính xác.
Bên cạnh đó, Trung tâm còn tổ chức các phiên giao dịch việc làm dành cho người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trong năm 2024, Trung tâm tổ chức 72 phiên giao dịch việc làm tại trung tâm và 02 văn phòng trực thuộc cho người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp, với sự ủy thác tuyển dụng của các công ty có nhu cầu tuyển dụng trong và ngoài tỉnh... Kết quả, có trên 5.937 lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp tham gia và được tư vấn các chính sách về việc làm, học nghề, tư vấn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và bảo hiểm thất nghiệp, có 732 lao động đăng ký tìm việc, 160 lao động đăng ký học nghề, trong đó có 202 lao động tìm được việc làm trong và ngoài nước, thông qua các phiên phiên giao dịch việc làm và các kênh tuyên truyền của Trung tâm.
Trung tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách bảo hiểm thất nghiệp
bằng nhiều hình thức
Đặc biệt, trong công tác thu hồi tiền hưởng trợ cấp thất nghiệp sai quy định, Trung tâm tiếp tục phối hợp làm việc với Bảo hiểm xã hội tỉnh gửi văn bản đến đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh phối hợp thu hồi tiền hưởng trợ cấp thất nghiệp sai quy định của người lao động hiện đang làm việc tại các công ty, doanh nghiệp. Trong năm 2024, đã phát sinh 54 trường hợp bị thu hồi tiền hưởng trợ cấp thất nghiệp với số tiền thu hồi 217 triệu đồng. Trung tâm đã liên hệ gửi Quyết định thu hồi đến 54 lao động bằng hình thức nhận trực tiếp tại Trung tâm, gửi thư qua bưu điện và điện thoại đôn đốc nhắc nhở để người lao động liên hệ nộp tiền hưởng sai quy định; Phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh thực hiện thu hồi tiền hưởng trợ cấp thất nghiệp sai quy định của người lao động. Kết quả đã thu hồi được 40 lao động với số tiền là 151 triệu đồng.
Ngoài ra, còn thường xuyên tổ chức sinh hoạt chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ để kịp thời cập nhật những quy định chính sách mới và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác tiếp nhận và giải quyết hồ sơ hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp và công tác tư vấn kết nối người lao động thất nghiệp sớm quay lại thị trường lao động. Phối hợp với Bưu điện tỉnh, BHXH tỉnh Hậu Giang thực hiện hình thức chi trả trợ cấp thất nghiệp cho người lao động qua Bưu điện và thẻ ATM.
Bên cạnh đó, Trung tâm thường xuyên tuyên truyền chính sách bảo hiểm thất nghiệp thông qua các hình thức như: Kết hợp lồng ghép với thông tin việc làm, thông tin thị trường lao động trên sóng Đài Phát thanh truyền hình tỉnh Hậu Giang và các Đài phát thanh của các huyện, thành, thị theo định kỳ. Tổ chức in ấn và phát tờ rơi tuyên truyền các thông tin về quyền lợi và trách nhiệm của người lao động khi tham gia bảo hiểm thất nghiệp; hướng dẫn người lao động nộp hồ sơ và nhận tiền bảo hiểm thất nghiệp; thông tin về việc làm, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp; các thông tin khóa học nghề và các cơ sở đào tạo... Thực hiện việc treo băng zon và lắp đặt các pa-no tuyên truyền chính sách bảo hiểm thất nghiệp tại các khu, cụm công nghiệp, khu vực đông dân cư, trụ sở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh... nhằm giúp người lao động hiểu rõ hơn về các chế độ, chính sách có liên quan đến bảo hiểm thất nghiệp.
Trong quá trình tiếp nhận, xử lý và giải quyết hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, Trung tâm đã phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh và các cơ quan, ban ngành có liên quan thực hiện kiểm tra, giám sát tình hình tham gia và thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp của các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh. Phối hợp với Bảo hiểm xã hội thực hiện việc rà soát tình trạng việc làm của người lao động trong thời gian nộp hồ sơ và thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp để giải quyết chế độ đúng, chính xác và kịp thời. Thường xuyên liên hệ, cập nhật thông tin và phối hợp với các cơ sở dạy nghề để kịp thời giải quyết chế độ hỗ trợ học nghề cho các lao động có nhu cầu học nghề để sớm trở lại thị trường làm việc.
Để thực hiện tốt hơn chính sách bảo hiểm thất nghiệp, thời gian tới, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hậu Giang kiến nghị xây dựng hoàn thiện phần mềm bảo hiểm thất nghiệp kết nối dữ liệu với Cổng Dịch vụ công Quốc gia và với Bảo hiểm xã hội nhằm phát hiện kịp thời việc người lao động đã có việc làm hoặc hưởng các chế độ khác trước, trong quá trình hưởng trợ cấp thất nghiệp, đảm bảo cho công tác bảo hiểm thất nghiệp được thuận lợi và đúng quy định của pháp luật. Tiếp tục hỗ trợ đầu tư nâng cấp hoàn thiện cơ sở vật chất tại Trung tâm Dịch vụ việc làm để có điều kiện phục vụ tốt nhất cho người lao động đến để giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp, tư vấn giới thiệu việc làm, học nghề. Tiếp tục tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác bảo hiểm thất nghiệp nhằm nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ tác nghiệp, thường xuyên tổ chức các cuộc hội thảo tại các địa phương thực hiện tốt công tác bảo hiểm thất nghiệp để các tỉnh có điều kiện học hỏi, trao đổi kinh nghiệm. Nghiên cứu và đơn giản hóa thủ tục hành chính trong quá trình thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp để tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động và người sử dụng lao động./.
Hồng Phượng
Nguồn: nld.com.vn