Quy định này nhằm tránh trường hợp người lao động tự ý nghỉ việc mà không báo trước gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị
Tại dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) mới nhất (ngày 6-3-2025), quy định về điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp đã có sự điều chỉnh. Theo đó, tại khoản 1 điều 43 dự thảo luật quy định người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ), hợp đồng làm việc (HĐLV) hoặc chấm dứt làm việc theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật theo quy định Bộ luật Lao động hoặc đơn phương chấm dứt HĐLĐ không đúng quy định của Luật Viên chức; người lao động nghỉ việc khi đủ điều kiện hưởng lương hưu.
Người lao động làm thủ tục hưởng BHTN tại sản giao dịch việc làm
So với bản trước đó, dự thảo lần này đã bỏ loại trừ trường hợp không được hưởng BHTN là người lao động bị sa thải theo pháp luật về lao động hoặc bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc theo pháp luật về viên chức.
Tại báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội lý giải việc bỏ quy định người lao động bị sa thải hoặc bị kỷ luật buộc thôi việc không được hưởng chế độ BHTN là tiếp thu ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội.
Đối với trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt HĐLĐ hay HĐLV trái pháp luật không được hưởng trợ cấp thất nghiệp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội giữ như dự thảo vì quy định này kế thừa điểm a khoản 1 điều 49 Luật Việc làm 2013.
Quy định này cũng nhằm tránh các trường hợp người lao động tự ý nghỉ việc mà không báo trước cho người sử dụng lao động, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp khi chưa tìm được nhân sự thay thế hoặc thực hiện bàn giao công việc.
Tuy nhiên, tại buổi góp ý dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) do Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM tổ chức ngày 8-4, ông Phạm Văn Hiền, Phó Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật LĐLĐ TP HCM, bày tỏ sự băn khoăn với quy định này.
Ông Phạm Văn Hiền, Phó Giám đốc Trung tâm Tự vấn pháp luật LĐLĐ TP HCM, phát biểu tại hội thảo
Theo ông Hiền, chỉ có tòa án mới có thẩm quyền xác định trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt HĐLĐ hay HĐLV trái quy định pháp luật. Do đó, nếu chỉ dựa vào lý do đơn phương chấm dứt HĐLĐ, HĐLV trên quyết định nghỉ việc để không cho người lao động hưởng BHTN là chưa hợp lý. Bởi thực tế có không ít trường hợp NLĐ bị doanh nghiệp quy lỗi đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật nhưng phán quyết của tòa sau đó có kết quả ngược lại, nhưng họ không được hưởng chế độ gì, rất thiệt thòi.
Tương tự, Luật sư Trương Thị Hòa cũng đề nghị cần làm rõ trường hợp đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật không được hưởng BHTN vì thực tế có rất nhiều tình huống đơn phương xảy ra. Chẳng hạn như NLĐ không đảm bảo thời hạn thông báo trước khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ; người lao động chấm dứt HĐLĐ không đúng quy định tại các Điều 35, 36 và 37 của Bộ luật Lao động… Do vậy nên quy định trường hợp đơn phương nào được hưởng, trường hợp nào không được hưởng BHTN để tránh thiệt thòi quyền lợi cho người lao động.
Nguồn: nld.com.vn