Việc hoàn thiện chính sách để bảo đảm công bằng, phù hợp bối cảnh mới sẽ giúp người tham gia bảo hiểm thất nghiệp an tâm hơn
Luật Việc làm (sửa đổi) dự kiến sẽ được thông qua tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV. Đến nay, các ý kiến cơ bản thống nhất với nội dung dự thảo luật. Tuy nhiên, một số đại biểu tiếp tục nghiên cứu, đề xuất nhiều vấn đề liên quan bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) nhằm bảo đảm tính công bằng, ưu việt và hấp dẫn người tham gia.
Đề xuất bổ sung đối tượng tham gia
Luật Việc làm 2013 quy định đối tượng bắt buộc tham gia BHTN là người lao động (NLĐ) làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc xác định, không xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng.
Như vậy, theo quy định hiện hành, cán bộ, công chức, viên chức không thuộc đối tượng tham gia BHTN. Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) lần này đã bổ sung một số đối tượng tham gia BHTN song vẫn không có cán bộ, công chức, viên chức. Tại kỳ họp thứ 9 đang diễn ra, một số đại biểu đã đề xuất nên bổ sung đối tượng này tham gia BHTN.
Người lao động tìm hiểu chính sách bảo hiểm thất nghiệp tại một ngày hội việc làm ở TP HCM .Ảnh: HUỲNH NHƯ
Theo ông Hà Sỹ Đồng, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị, cán bộ, công chức, viên chức là NLĐ và cũng có thể thất nghiệp, nhất là khi thực hiện tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế. Họ cũng cần được hưởng các chính sách liên quan BHTN khi vì lý do nào đó, dù có khả năng lao động nhưng vẫn phải rời khỏi công vụ. Do đó, ông kiến nghị bổ sung cán bộ, công chức, viên chức vào nhóm đối tượng tham gia BHTN.
Theo bà Nguyễn Hoàng Bảo Trân, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương, bộ máy hành chính nhà nước đang được sắp xếp, tinh gọn hướng tới hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đồng thời chính sách "biên chế suốt đời" đang được xem xét hủy bỏ khi sửa đổi Luật Cán bộ, công chức. Điều này sẽ dẫn đến cán bộ, công chức, viên chức có khả năng mất việc nếu không hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Do đó, việc bổ sung đối tượng tham gia BHTN là cán bộ, công chức, viên chức nên được xem xét nhằm góp phần bảo đảm chính sách về BHTN được mở rộng, bao phủ đến nhiều đối tượng; bảo đảm công bằng trong tiếp cận an sinh xã hội. "Đây là bước đi chủ động của nhà nước trong việc bảo vệ NLĐ khu vực công trong điều kiện mới" - bà Trân nhìn nhận.
Đối với đề xuất trên, chị T.T.T.L - một công chức trẻ tại quận 6, TP HCM - rất ủng hộ. Chị cho biết hiện nay, khi nhà nước thực hiện tinh gọn bộ máy đồng loạt, công chức, viên chức, NLĐ nghỉ việc sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ đặc thù. Song, khi đã hoàn tất việc sắp xếp bộ máy, nếu bỏ "biên chế suốt đời" và bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức theo yêu cầu của vị trí việc làm và đánh giá theo kết quả thực hiện sẽ dẫn đến nhiều người phải nghỉ việc.
"Nếu lúc đó không có chính sách hỗ trợ đặc thù mà cán bộ, công chức, viên chức cũng không thuộc đối tượng tham gia BHTN thì họ sẽ rất khó khăn. Do vậy, việc bổ sung cán bộ, công chức, viên chức là đối tượng tham gia BHTN sẽ giúp chúng tôi, nhất là những người trẻ, an tâm hơn" - chị L. bày tỏ.
Thích ứng với biến động
Theo đánh giá của Tổng LĐLĐ Việt Nam, dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) có nhiều điều có lợi cho NLĐ. Chẳng hạn, khoản 2 điều 32 của dự thảo - quy định về các chế độ BHTN - có quy định rất mới: Trường hợp khủng hoảng, suy thoái kinh tế, thiên tai, hỏa hoạn, địch họa hoặc dịch bệnh nguy hiểm, căn cứ tình hình thực tế và kết dư Quỹ BHTN, Chính phủ quy định việc giảm mức đóng BHTN, hỗ trợ bằng tiền hoặc các hỗ trợ khác.
Thực tế, trong giai đoạn dịch COVID-19 xảy ra, Chính phủ từng ban hành chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh từ Quỹ BHTN. Chính sách này nhận được đồng thuận, ủng hộ của cả doanh nghiệp, NLĐ và xã hội. Với quy định trong dự thảo về việc dùng tiền kết dư từ Quỹ BHTN để hỗ trợ khi gặp khó khăn do suy thoái kinh tế, thiên tai, hỏa hoạn…, NLĐ sẽ có cơ hội được thụ hưởng.
Nguồn: nld.com.vn