Tăng cao kỉ lục
Tại hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện BHTN, ông Lê Quang Trung - Phó cục trưởng Cục Việc làm - Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết, số người tham gia BHTN liên tục tăng qua các năm, đến năm 2012 số người tham gia BHTN là 8,269 triệu người, tăng 4,22% so với năm 2011. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2013, số người tham gia BHTN là 8,421 triệu người, tăng 0,52% so với năm 2012. Trong đó, số người tham gia BHTN ở khu vực hành chính sự nghiệp, đảng, đoàn thể chiếm 24,16%; khu vực sản xuất - kinh doanh chiếm 74,2%; khu vực khác chiếm 1,64% số người tham gia BHTN.
Ông Trung cũng cho biết, qua thống kê cho thấy, người lao động đăng ký thất nghiệp tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn, kinh tế phát triển, có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất như: TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai... Số người đăng ký thất nghiệp thường tăng trong giai đoạn đầu và giữa năm và có xu hướng giảm từ tháng 8 đến tháng 12 hàng năm. Đặc biệt, nợ đọng BHTN đang ở tình trạng đáng báo động.
Nếu như năm 2009 số nợ đọng BHTN là 43,1 tỷ đồng, thì đến 2012 con số này tăng lên gấp gần 13 lần và chỉ riêng trong 8 tháng năm 2013 đã là hơn 600 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Hùng Cường - Phó Ban thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (Bảo hiểm Xã hội Việt Nam), nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do tình hình sản xuất, kinh doanh của nhiều DN bị đình trệ và một số địa phương gặp khó khăn trong việc cân đối ngân sách. Bên cạnh đó, một số đơn vị còn trây ỳ do quy định về xử lý vi phạm còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Nhiều DN còn trích tiền lương của người lao động để đóng bảo hiểm nhưng không chịu nộp nên nếu nghỉ, họ không được chốt sổ.
Thậm chí, không ít đơn vị còn trốn bằng cách ký hợp đồng lao động dưới 12 tháng để không phải đóng BHTN, điển hình là tại TP.HCM. Ông Cao Văn Sang, Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM cho biết, phần lớn số thu bảo hiểm xã hội của TP.HCM là từ khối DN (trên 50.000 DN tham gia BHXH) nên hoạt động của DN ảnh hưởng rất lớn đến số thu. Mặt khác, cũng có xuất hiện nợ “ảo” do tình trạng DN không còn tồn tại nhưng chưa thể đưa ra khỏi danh sách nợ vì chưa xác minh được tình trạng của DN.
Phạt như “gãi ngứa”
Để tránh tình trạng nhiều DN “lách” luật trong việc thực hiện đóng BHTN, đại diện của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đưa ra kiến nghị: Để tăng cường tính bền vững, cần nghiên cứu mở rộng đối tượng tham gia BHTN đến đối tượng lao động có hợp đồng lao động từ 3 đến dưới 12 tháng, các DN, đơn vị có sử dụng dưới 10 lao động, lao động chưa có quan hệ lao động được tham gia BHTN, theo chính sách đặc thù, như: Lao động Việt Nam đi làm việc theo hợp đồng có thời hạn ở nước ngoài chưa tham gia BHTN; học sinh đang học tập và đào tạo tại các cơ sở dạy nghề, các trường chuyên nghiệp... Đồng thời, cần tiếp tục nghiên cứu đảm bảo điều kiện cho người lao động có cuộc sống tối thiểu khi mất việc làm, thất nghiệp; đảm bảo mức tiền lương tham gia BHTN của người lao động phải là mức lương theo quy định tại Điều 90 Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2012.
Tuy nhiên, theo ông Cao Văn Sang, bất cập hiện nay là các chế tài xử phạt các hành vi chậm nộp BHTN quá nhẹ. Quy định chậm đóng BHTN bị phạt tối đa 75 triệu đồng có tác dụng với DN quy mô nhỏ, song DN nợ hàng chục tỷ đồng cũng áp dụng xử phạt như trên chẳng khác nào “gãi ngứa”, khiến DN tìm cách trì hoãn và chấp nhận nộp phạt. Với tình trạng nợ BHTN, giải pháp cuối cùng để thu nợ là khởi kiện, song lại gặp khó khăn ở khâu thi hành án. TP.HCM đi đầu trong cả nước về việc khởi kiện DN nợ BHXH (chiếm 80%). Từ năm 2012 đến nay, hệ thống BHXH thành phố đã khởi kiện trên 1.000 DN nợ BHXH song nhiều vụ việc rơi vào bế tắc do chủ DN “mất tích”, bỏ trốn hoặc DN không còn tài sản, không có khả năng trả nợ.
Để tạo điều kiện cho các DN thực sự gặp khó trong sản xuất kinh doanh khắc phục từng bước tiền nợ, giải quyết chế độ cho người lao động nghỉ việc tại các đơn vị này, BHXH TP.HCM đã có hướng dẫn: đồng ý giải quyết đóng trước tiền BHXH, BHYT để chốt sổ cho người lao động nghỉ việc theo nguyên tắc DN phải đóng đủ số tiền BHXH, BHYT và tiền lãi chậm đóng phát sinh đến thời điểm thôi việc của người lao động, đồng thời đóng bổ sung ít nhất bằng số nợ quỹ BHYT và nợ quỹ BHXH ngắn hạn (quỹ ốm đau, thai sản) để đảm bảo quyền lợi của người lao động khác đang còn làm việc. Tuy nhiên, với tình trạng nợ nần của nhiều DN hiện nay, việc đóng BHXH, BHYT như trên là bất khả thi.
Nguồn: baohaiquan.vn