Để xử lý nghiêm việc lao động hết hạn hợp đồng tại Hàn Quốc nhưng không về nước, ngày 2/4, tại Hà Nội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), thành phố Hà Nội và tỉnh Hòa Bình tổ chức triển khai các giải pháp vận động người lao động Việt Nam tại Hàn Quốc hết hạn về nước.
Nhiều lao động chấp nhận xử phạt
Ông Choi Byung Gie, Giám đốc Trung tâm EPS Hàn Quốc tại Việt Nam cho biết: Theo thống kê của Bộ Lao động Hàn Quốc, đến cuối năm 2013, lao động Việt Nam hết hạn hợp đồng ở lại Hàn Quốc hơn 14.000 người, chiếm tới 40% lực lượng lao động của các nước hết hạn hợp đồng ở lại lao động bất hợp pháp. Đại diện chương trình EPS Hàn Quốc tại Việt Nam đã tiến hành khảo sát đối với trên 200 lao động Việt Nam tại Hàn Quốc và cho thấy, 49% vay tiền từ người nhà để đi lao động xuất khẩu, 65% vay từ các tổ chức tín dụng, 16% vay từ tư nhân với lãi suất cao. Chính vì vậy, phía Việt Nam cần lưu ý đối với những đối tượng vay lãi suất cao vì họ ở lại bất hợp pháp tại Hàn Quốc là để kiếm tiền trả nợ.
Phía Hàn Quốc đánh giá cao những biện pháp mà Việt Nam đang triển khai, trong đó áp dụng chế tài xử phạt vi phạm hành chính lên tới 100 triệu đồng với những lao động ở lại lao động bất hợp pháp tại nước ngoài và ký quỹ 100 triệu đồng.
“Thực tế các lao động Việt Nam tại Hàn Quốc đã biết rõ việc xử lý vi phạm hành chính nếu tiếp tục bỏ trốn nhưng họ đang chờ đợi xem có ai bị xử lý vi phạm hay không. Thậm chí, đối với nhiều lao động đã phải chi phí nhiều để đi, họ chấp nhận bị xử phạt vì với mức lương 1.500 USD/tháng (tương đương khoảng 30 triệu đồng) thì chỉ 3 tháng sau họ có thể “gỡ” lại được số tiền bị phạt. Chính vì vậy, Việt Nam cần xử lý kiên quyết hơn với những vi phạm của lao động ở lại Hàn Quốc bất hợp pháp”, ông Choi Byung Gie nói.
Anh Kiều Cao Thuấn, xã Đông Chúc (huyện Thạch Thất, Hà Nội) đã đi lao động tại Hàn Quốc được hơn 4 năm và về nước từ tháng 8/2013, tới tháng 4 này, anh sẽ quay trở lại Hàn Quốc làm việc. Anh Thuấn cho biết: “Từ đầu năm 2013, lao động Việt Nam tại Hàn Quốc đã biết thông tin về việc xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên, do hoàn cảnh kinh tế, nhiều người lo sợ không biết có được trở lại làm việc không; về nước, sẽ phải đối mặt với nguy cơ không có việc làm, do họ cố ở lại làm việc. Đó là lí do vì sao nơi tôi làm việc có 3 người hết hạn hợp đồng thì 2 người đã trốn ra ngoài làm việc và ở lại Hàn Quốc, chỉ mình tôi về nước theo đúng hạn”.
Xử lý nghiêm từ các bên
Theo Trung tâm Lao động ngoài nước, Bộ LĐTBXH, đang có nhiều giải pháp triển khai vận động người lao động hết hạn về nước như thành lập Văn phòng quản lý lao động Việt Nam theo chương trình EPS tại Hàn Quốc; tổ chức với các địa phương tuyên truyền vận động tới các gia đình có người thân đang lao động tại Hàn Quốc, tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông, gửi thư kèm theo tờ rơi tới các gia đình có người đi thân đi lao động tại Hàn Quốc; tổ chức các hội chợ việc làm giới thiệu cho lao động về nước có nhu cầu làm việc tại các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam. “Để việc tuyên truyền vận động hiệu quả, rất cần sự vào cuộc của các chính quyền cấp xã, phường và các đoàn thể. Đề nghị các sở LĐTBXH sớm triển khai việc xử lý vi phạm hành chính đối với các đối tượng từ sau ngày 10/3/2014”, ông Lưu Đức Long, Phó Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước kiến nghị.
Đại diện lãnh đạo huyện Kỳ Sơn (Hòa Bình) cho biết: “Qua thực tế đi vận động tại các gia đình đối tượng cho thấy, nhiều lao động ở lại lao động bất hợp pháp hơn năm nay nhưng không bị xử phạt. Do đó, bên cạnh tuyên truyền, đề nghị phía Hàn Quốc cũng phải có biện pháp xử phạt mới đem lại hiệu quả. Đồng thời, Bộ LĐTBXH cũng phải chỉ rõ cấp nào được ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính”.
Trước tình hình Hà Nội là một trong những địa phương có nhiều lao động ở lại Hàn Quốc khi hết hạn hợp đồng, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, cho biết: Việc lao động ở lại quá hạn đang làm ảnh hưởng đến hình ảnh và uy tín đối với thị trường lao động xuất khẩu của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung. Do vậy, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các địa phương có người đi lao động xuất khẩu rà soát cụ thể từng đối tượng để vận động, yêu cầu các tổ chức đoàn thể phải vào cuộc, tuyên truyền trên hệ thống phát thanh xã, phường. Nhất là với hơn 300 đối tượng sẽ đến hạn từ nay đến tháng 9/2014, các địa phương phải làm rốt ráo công tác tuyên truyền vận động, xử lý nghiêm vị phạm. Sở LĐTBXH và các địa phương phải báo cáo thành phố các giải pháp cụ thể trước ngày 15/4.
“Việt Nam đã có những chế tài đối với lao động bỏ trốn tại Hàn Quốc và yêu cầu các địa phương triển khai làm nghiêm. Bên cạnh đó, Bộ LĐTBXH Việt Nam đề nghị phía Hàn Quốc thực hiện nghiêm việc xử lý lao động bỏ trốn tại Hàn Quốc. Thực tế, phía Hàn Quốc biết rất rõ các đối tượng lao động bất hợp pháp nhưng chưa xử lý nghiêm nên chưa mang lại hiệu quả. Bên cạnh đó, Bộ sẽ bỏ chỉ tiêu phân bổ lao động xuất khẩu theo chương trình EPS theo từng tỉnh mà sẽ đăng tuyển công khai minh bạch để người lao động nào đáp ứng đủ điều kiện tham gia chương trình”, ông Nguyễn Thanh Hòa, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho biết.
Theo baotintuc.vn